Tuyên Quang - Trong số 10 di sản mới được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch (VHTTDL) bổ sung vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Tuyên Quang có thêm 2 di sản được công nhận.
Cụ thể, Quyết định số 1842 và 1846 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã công nhận Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang, Yên Sơn và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Người Mông ở Tuyên Quang sống chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Màu sắc trên trang phục của phụ nữ Mông được phân biệt với 3 nhóm chủ yếu là Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen.
Đặc biệt, trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ cùng với kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải rất cầu kỳ.
Trong khi đó, dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có trên 15.000 người chủ yếu tập trung ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (huyện Sơn Dương). Đại Phan là một lễ hội quan trọng của người Sán Dìu để cầu mong cho dân làng được an yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xua đuổi tà ma.
Đây cũng là 1 nghi lễ chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mĩ và là nét văn hóa độc đáo của người Sán Dìu cần được lưu giữ, bảo tồn, phát huy.
Đến nay, Tuyên Quang đã có 12 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.