Sáng 14/10, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu…
Tại tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2020, có gần 400/2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Hiện doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 đạt dưới 10%, đặc biệt những nơi trung tâm du lịch công suất rất thấp. Từ năm 2021, số doanh nghiệp lữ hành hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020. Nhiều lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, so với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương do liên quan đến sự di chuyển của con người, mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức; và khi phục vụ thì phải đợi các ngành khác phục hồi nên đã rất khó, lại càng khó hơn…
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có 1.000 khách sạn, 25.000 phòng khách sạn đã tham gia làm nơi cách ly, nơi cư trú của y bác sĩ, công nhân. Về định hướng sắp tới, ngành đã có bước chuẩn bị cho sự tái hoạt động như kiến nghị tiêm vaccine, thực hiện các dự án công nghệ thông tin như phiên bản mới của website, app... Ngay khi dịch vừa có dấu hiệu kiểm soát được, Sở đã tổ chức những tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu, từ đó mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong tháng 10, TP triển khai du lịch nội vùng; giai đoạn 2 làm việc địa phương liền kề để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11 và dự thảo đề án đón khách quốc tế vào giai đoạn 3.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa kỳ vọng từ năm 2022, du lịch TP khôi phục hoàn toàn. Đồng thời, nhận định giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. “Đây là chìa khóa cho tái hoạt động. Nên ngành du lịch TP đã liên kết với 40 tỉnh, thành trong giai đoạn 2019-2020. Việc nối lại để tái khởi động cũng rất thuận lợi. Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hộ phục hồi nhanh bền vững thời gian tới.
Tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được. Bên cạnh đó, cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị tạo thống nhất, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có tâm lý thoải mái.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng giải pháp quan trọng là tăng tốc phủ vaccine, trước hết cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến.
Đối với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết: TPHCM và tỉnh Tây Ninh đã ký kết mở tuyến du lịch khép kín TPHCM - Địa đạo Củ Chi và Núi Bà Đen dự kiến bắt đầu vào ngày 16/10. Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục xúc tiến với các tỉnh miền Trung và một số tỉnh khác để phát triển du lịch nội địa. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, người dân TP đã tiêm vaccine mũi 1 trên 98% và mũi 2 đạt 74% cho người trên 18 tuổi. Vì vậy, đây là điều kiện an toàn của người dân TP đi du lịch các nơi. “Đó là điều kiện tốt để các nơi mạnh dạn đón tiếp khách du lịch TPHCM. Đồng thời, sẽ thực hiện một số nội dung về 5K và đảm bảo phòng, chống dịch…”- Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Ngành du lịch cần có định hướng, triển khai linh hoạt, thích ứng... Đó là ưu tiên du lịch nội địa và là cơ sở phát triển lại du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu các địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt.
“Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, thành, địa bàn đang xanh”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó chính sách cụ thể như miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, các gói về tín dụng…; cùng với doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ trong du lịch như đẩy mạnh xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số để lựa chọn.