Du lịch và hàng không được dự đoán sẽ phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ sau dịch. Hàng không thì hiển nhiên, còn du lịch thì cơ sở từ đâu? Nếu khả thi thì riêng mảng lưu trú, loại hình nào sẽ bứt phá? Vấn đề này hiện được cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi trên diễn đàn trực tuyến lớn nhất nhì hiện nay.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất nhưng khôi phục nhanh nhất
Hiển nhiên, nhóm ngành dịch vụ, hàng không và du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Đến mức nói “chết đứng” hay ngủ đông dài ngày cũng không ngoa. Trên cả nước, hàng trăm cơ sở kinh doanh bị giảm công suất đến ngưng hoạt động, “cửa đóng then cài” - hàng trăm nghìn lao động ngành bị giảm việc, nghỉ giãn ca, mất việc làm vì Covid.
Rất nhiều phân tích, nhiều nhận định cho giả thuyết bao giờ Việt Nam hết dịch được đưa ra nhưng qua thời gian đều chưa khả quan. Bởi các đợt bùng phát dịch từ âm ỉ, được kiểm soát nhanh đến mạnh mẽ và lan rộng khiến tương lai ngày ngành du lịch mở cửa vẫn còn bỏ ngõ. Tuy nhiên, các chuyên gia, giới lãnh đạo và người giàu thâm niên trong ngành khẳng định, du lịch dịch vụ sẽ từng bước “sống” lại, khôi phục nhanh và phát triển mạnh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát và vaccine được tiêm chủng đủ số lượng để đạt miễn dịch cộng đồng. Rồi du khách sẽ lại đến Việt Nam nhộn nhịp, cơ sở lưu trú lại tấp nập khách check-in, nhà hàng đông đúc khách dùng bữa, điểm du lịch - khu vui chơi - spa - vũ trường… sôi động như chưa từng có Covid.
Loại hình lưu trú nào sẽ phát triển mạnh sau dịch?
Một OF_er đặt nghi vấn như thế, kèm dự đoán homestay, farmstay sẽ phát triển mạnh sau giãn cách, ngay khi dịch được kiểm soát trên diện rộng. Phía dưới câu hỏi, nhiều bình luận và bàn luận sôi nổi diễn ra. Có người đồng tình, phân tích thêm - cũng có người phản bác, dẫn chứng và gợi ý hướng mới.
Nhìn chung, phần đa đồng ý nhóm ngành dịch vụ, du lịch và hàng không khả năng cao sẽ khôi phục nhanh khi tình hình dịch tại Việt Nam khả quan và chính phủ đồng ý mở cửa trong điều kiện an toàn phòng chống dịch đi liền với mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động vốn đã và đang chật vật gần 2 năm qua. Tuy nhiên, nhận định chỉ thiên về khôi phục nhanh, còn phát triển mạnh thì chưa hẳn. Bởi, trong tình hình suy thoái như hiện tại, thêm lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ở đâu, con người có xu hướng ưu tiên sinh tồn, ăn uống và lao động hơn là thỏa mãn các nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Vậy nên, dù muốn nhưng nhu cầu du lịch nhìn chung có thể giảm và dự kiến sẽ tăng mạnh để ngành phát triển bứt phá trong vài năm nữa, nếu dịch chắc chắn được kiểm soát và duy trì kiểm soát tốt.
Phản hồi cho loại hình lưu trú có tiềm năng thu hút khách du lịch sau giãn cách, nhiều ý kiến cho rằng các loại hình lưu trú biệt lập, giá rẻ như homestay, farmstay sẽ được ưa chuộng - du khách có xu hướng chọn đi bằng xe gia đình hay xe công ty, thuê xe riêng suốt tuyến - nhu cầu tìm về nơi vắng vẻ nhưng có cảnh đẹp, dịch vụ tốt và đa dạng cũng được ưu tiên… Điểm chung của những tiêu chí này đều đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tiếp xúc với người lạ, những người không rõ lịch sử di chuyển; tránh tập trung đông người; tiết kiệm chi phí trong khi vẫn hưởng dịch vụ, tiện nghi cơ bản, có tính riêng tư cao…
Ngoài ra, các villa, resort cũng được đánh giá có tiềm năng nếu đảm bảo tính an toàn và biệt lập. Dĩ nhiên, chi phí có phần đắt đỏ hơn và được giới có tiền ưa chuộng. Một số khác thậm chí còn mua hoặc thuê dài hạn hẳn một căn penthouse hay second home vùng ngoại ô để gia đình, đội nhóm, công ty… tụ tập vào cuối tuần hay các dịp lễ, Tết đặc biệt.
Nhận định của bạn thế nào? Theo bạn, dịch bệnh tại Việt Nam khi nào thì được kiểm soát? Ngành du lịch và dịch vụ khi nào thì mở cửa? Loại hình lưu trú nào sẽ phục hồi và phát triển mạnh sau dịch?...
Nhiều nước trên thế giới chấp nhận “sống chung với Covid”. Việt Nam cũng đang tính đến phương án này. Bởi, việc giãn cách nghiêm mãi không phải là giải pháp tối ưu khi dịch bệnh ngày càng nặng mà tiềm lực về con người và kinh tế lại có nguy cơ đứt gãy nếu dịch còn kéo dài. Dĩ nhiên, mọi quyết định cần được cân nhắc và tính toán kỹ. Chỉ nên mở cửa từ từ. Tuyệt đối không chủ quan. Ưu tiên tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng (tức 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi trên phạm vi cả nước). Tuân thủ nghiêm 5K và các quy định phòng, chống dịch khác.
Mở cửa nhất định sẽ diễn ra. Vấn đề là khi nào? Tiến hành thế nào? Thực hiện ra sao?... Để không bỏ mất cơ hội kinh doanh giàu tiềm năng sau dịch, sao không thử đánh giá tình hình để tìm kiếm cơ may phục hồi kinh tế và xây dựng thương hiệu???