Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long lập ô điều tra đánh giá hệ sinh thái vùng triều tại một số khu vực trên đảo Ba Mùn.
Năm 2001, Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm trong địa giới hành chính 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long (huyện Vân Đồn) với tổng diện tích 15.783ha, trong đó có 6.125ha là diện tích đảo nổi và 9.658ha là diện tích mặt nước biển chia thành 3 cụm đảo chính gồm: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Đây là một trong 7 vườn quốc gia vừa có diện tích trên cạn, vừa có diện tích biển và là một trong những khu vực có tiềm năng rất lớn về mặt sinh thái học với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng.
Theo kết quả điều tra và thống kê của các nhà khoa học, hiện nay, Vườn quốc gia Bái Tử Long có 2.415 loài sinh vật, trong đó động thực vật rừng có 1.195 loài và 1.220 loài sinh vật biển. Đặc biệt tổng số loài đã được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới là 108 loài, tiêu biểu như: Rùa biển, vích, cá heo, lim, táu, sến... Với sự đa dạng sinh học, năm 2017, Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản thứ 38 của ASEAN (tính đến nay, đây là vườn di sản ASEAN đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Ninh).
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng đi đôi với bảo tồn các loài động vật, thực vật quý là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy, thời gian qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, Ban đã thường xuyên thực hiện tuyên truyền trong nhân dân về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp); công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hiểu biết pháp luật để hạn chế tác động vào rừng, hạn chế khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đầu tháng 10/2022, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long đã phối hợp với xã Minh Châu tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải và vật liệu dẫn cháy để bảo vệ môi trường và phòng cháy rừng mùa hanh khô. Kết thúc đợt ra quân, lực lượng liên ngành đã thu gom được trên 2 tấn rác thải (tại khu vực từ cảng Cồn Trụi đến khu vực rừng Trâm và bãi tắm Minh Châu). Thông qua hoạt động nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, môi trường và phòng chống cháy rừng hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long còn xây dựng kế hoạch thường xuyên tuần tra, truy quét liên ngành để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy bắt động vật trái phép. Các tổ, trạm của lực lượng bảo vệ rừng còn đổi mới cách thức, phương pháp tuần tra, tiếp cận các khu vực mới, bảo đảm bao quát được địa bàn quản lý. Ngoài việc bảo vệ rừng theo những phương pháp truyền thống, gần đây Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long đã đưa ứng dụng GPS và ứng dụng phần mềm SMART vào thực hiện nhiệm vụ.
Nhờ ứng dụng này giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long ngày càng phát huy hiệu quả. Thời gian tới dự kiến, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long sẽ đầu tư ứng dụng thêm thiết bị Flycam tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động bảo vệ rừng. Tính riêng trong 2 năm gần đây, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long không ghi nhận trường hợp nào liên quan đến vi phạm chặt phá, đốt rừng, hiện, tỷ lệ che phủ rừng tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đạt trên 90%.
Hiện nay, Vườn quốc gia Bái Tử Long là nơi lưu giữ, bảo tồn rất nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Để bảo tồn, nâng cao tính đa dạng sinh học, từ năm 2017 đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Ban triển khai nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án khoa học nhiệm vụ về bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn. Tiêu biểu như: Nghiên cứu nhân giống và trồng làm giàu rừng bằng loài cây lim xanh (đảo Trà Ngọ); nghiên cứu, nhân giống và trồng loài cây lá khôi (đảo Ba Mùn); nghiên cứu thử nghiệm nuôi loài hải sâm trắng tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đáng chú ý năm 2022, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã triển khai 2 đợt giám sát hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thông qua đó thu thập dữ liệu để phân tích, đánh giá sự biến động của các nhóm loài sinh vật sống trong hệ sinh thái rạn san hô, đưa ra giải pháp bảo tồn...
Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thực hiện dự án nghiên cứu giá trị hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi và núi đất xen kẽ núi đá vôi. Ảnh: Phạm Học
Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo khả năng quản lý phát triển du lịch theo các quy định bảo tồn.
Tuy nhiên hiện nay, hoạt động du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch tại Vườn quốc gia Bái Tử Long chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng thế mạnh này. Không những vậy, hiện nay còn 1/2 diện tích đất và rừng nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long chưa được cấp có thẩm quyền giao đất cho Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường quản lý bảo vệ rừng, gìn giữ và bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ với các hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng dân cư về quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đặc biệt để đánh thức tiềm năng Vườn di sản ASEAN phát triển du lịch sinh thái, Ban sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để góp phần bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên rừng.