Quảng Bình sẽ triển khai, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thông qua truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch theo 2 nhóm khách chính là khách nội địa và khách quốc tế.
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch Quảng Bình là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google, các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch và tạp chí du lịch uy tín quốc tế trong năm 2024.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 4,5 – 5 triệu lượt khách du lịch.
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu Du lịch Quảng Bình là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tại Việt Nam; Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam, một trong những Vườn Quốc gia được yêu thích nhất châu Á và thế giới; phấn đấu đón từ 4,5 - 5 triệu lượt khách, trong đó 200.000 lượt khách du lịch quốc tế và tổng thu từ khách du lịch đạt từ 5.085 – 5.650 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý - Gíam đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, sẽ triển khai, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch với hình thức truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch theo 2 nhóm khách chính là khách nội địa và khách quốc tế.
Đối với khách du lịch nội địa, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” và “Mỗi người dân Quảng Bình là một đại sứ du lịch”.
Các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ được triển khai gồm: Trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; Thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng; Nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa; Du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng; Phát triển các sản phẩm du lịch mới...
Đối với đối tượng khách du lịch quốc tế, tỉnh Quảng Bình sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá hang động và phát triển các sản phẩm du lịch về trải nghiệm thiên nhiên, nghiên cứu đa dạng sinh học tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong...
Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm kết hợp với giáo dục kỹ năng sống cho các nhóm khách; phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với làm việc từ xa cho nhóm khách chi tiêu cao.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình trọn gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao giải trí và chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp với đặc sản địa phương OCOP cho khách du lịch nước ngoài...
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, thời gian tới ngành du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục xây dựng văn hóa du lịch văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp và an toàn; đa dạng hóa thị trường khách du lịch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển du lịch.