Ngày 02/11/2022, tại Thừa Thiên Huế đã diễn ra Chương trình xúc tiến, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung năm 2022. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu chỉ đạo tại chương trình
Báo cáo đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung, đại diện Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2019 và năm 2022 lượng khách du lịch từ các tỉnh miền Trung đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng mạnh, thị phần khách du lịch từ các tỉnh miền Trung đến Lâm Đồng có sự tăng trưởng nhanh, chiếm 30% thị trường khách du lịch nội địa của tỉnh Lâm Đồng.
Các địa phương đã phối hợp hình thành tuyến du lịch Hoa và Di sản, Con đường Di sản, Festival Hoa Đà Lạt, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Đêm rằm Phố cổ Hội An - Quảng Nam, Lễ hội Đêm Thành cổ - Quảng Trị, Lễ hội Cầu Ngư - Quảng Bình… đã và đang được các doanh nghiệp du lịch các địa phương tổ chức, khai thác phục vụ khách du lịch.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Viết Vân phát biểu tại chương trình
Công tác quảng bá, xúc tiến đã được quan tâm phối hợp triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua các chương trình xúc tiến, hoạt động sự kiện, tổ chức các đoàn khảo sát, hình ảnh về du lịch và con người của các địa phương đã được quảng bá rộng rãi, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện mục tiêu “Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch” theo nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian vừa qua Lâm Đồng đã tăng cường mở rộng hoạt động liên kết với nhiều địa phương trong cả nước, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng, thúc đẩy lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng mạnh.
Đại diện các địa phương tham dự chương trình liên kết
Bước đầu các chương trình liên kết phát triển du lịch đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực như: tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng kết nối tour tuyến, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng nói riêng và các địa phương nói chung. Trong đó, các chương trình liên kết đã tạo nên các tuyến du lịch độc đáo với các sản phẩm du lịch khác biệt đã góp phần thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế đến các địa phương.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và thực hiện triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục liên kết chặt chẽ với các tỉnh miền Trung và các địa phương trên toàn quốc trong hoạt động xúc tiến phát triển du lịch với phương châm “Cùng nhau nắm tay, đoàn kết hợp tác để đưa sự nghiệp du lịch các địa phương liên kết nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn thời kỳ đại dịch, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.
Ký kết hợp tác quảng bá du lịch Đà Lạt trên nền tảng mạng xã hội
Phát biểu chỉ đạo chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các địa phương cùng sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý du lịch trong nỗ lực liên kết, hợp tác phát triển du lịch của Lâm Đồng với các tỉnh Miền Trung, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Tổng cục trưởng vui mừng nhận thấy thời gian qua đã có sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin thông suốt giữa các địa phương trong liên kết. Nhiều sản phẩm du lịch chuyên đề về văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe và các sự kiện hấp dẫn được hình thành, đang dần trở thành thương hiệu du lịch của cả vùng. Hàng chục chương trình kích cầu du lịch, nhiều chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm mới, kết nối tour/tuyến, trao đổi khách giữa Lâm Đồng với khu vực miền Trung đã được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp các địa phương và cả nước.
Các đại biểu tham dự chương trình
Với mong muốn hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị các địa phương, doanh nghiệp quan tâm:
(1) Phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo chuyên đề như: Du lịch văn hóa gắn với khai thác giá trị của các di sản thế giới, quốc gia; du lịch sinh thái kết hợp với hoạt động trải nghiệm nông nghiệp; du lịch MICE, du lịch thành phố cùng với đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn....
(2) Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch. Không chỉ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, các địa phương có thể trao đổi, hỗ trợ nhân lực, lao động liên vùng trong các dịp tổ chức sự kiện, lễ hội lớn, thu hút số lượng lớn khách du lịch.
(3) Tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách với thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa.
(4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch. Các địa phương chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả như cổng thông tin điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến du lịch; nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch.
(5) Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến và sức hấp dẫn điểm đến qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa du lịch cao điểm, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh, môi trường kinh doanh du lịch của điểm đến.