Vừa qua, Việt Nam tiếp tục vinh dự trở thành “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cho biết, sau 10 tháng năm 2022, nước ta đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Những tín hiệu đáng mừng này là bệ phóng vững chắc giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường du lịch quốc tế.
Việt Nam vinh dự trở thành "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới"
Vừa qua, tại buổi lễ World Travel Awards (Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế Giới), Việt Nam tiếp tục vinh dự đón nhận danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2022”. Đây là lần thứ 3 nước ta nhận được giải thưởng danh giá này sau 2 lần vào năm 2019 và 2020.
Vượt qua những ứng cử viên nặng ký Armenia, Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Việt Nam giành chiến thắng ngoạn mục và xứng đáng, khẳng định vị thế, sức hút tiềm năng về giá trị di sản văn hóa lâu đời. Song song với đó, đây cũng là cơ hội để đưa hình ảnh nước ta gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đất nước, nâng tầm du lịch nước nhà vươn ra thế giới.
Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với các giá trị lịch sử - văn hóa tồn tại lâu đời, Việt Nam càng được thế giới biết tới nhiều hơn với các địa danh nổi tiếng. Cũng tại lễ trao giải ngày 11/11 vừa qua, Thủ đô Hà Nội xuất sắc giành giải “Thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày” vượt mặt các đối thủ - là những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Athens (Hy Lạp), Dubai (UAE), Geneva (Thụy Sĩ), New York (Mỹ) và quán quân năm 2020 - Lisbon (Bồ Đào Nha), năm 2021 - Moskva (Nga).
Bên cạnh đó, bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đa sắc màu với vẻ đẹp ngút ngàn của Mộc Châu (Sơn La) giúp nơi đây được xướng tên cùng danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Trước đây, địa danh này cũng được WTA bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu khu vực của Châu Á”. Tam đảo (Vĩnh Phúc) cũng tự hào với danh hiệu “Thị trấn hàng đầu thế giới năm 2022”, vượt qua các cái tên từng gây sốt về du lịch thế giới như Hawaii (Mỹ), làng cổ Shirakawa (Nhật Bản), Maui, Hana,... Phú Quốc (Kiên Giang) cũng được gọi tên với hạng mục “Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới” càng khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt của vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và những trải nghiệm đa dạng của các loại hình du lịch khác nhau.
2,35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Theo báo cáo Tổng cục Thống Kê sau 10 tháng năm 2022, nước ta đón 2, 35 triệu lượt khách quốc tế, gấp 18,8 so với năm 2021 do chính sách mở cửa du lịch và các đường bay mở cửa trở lại. Đây là dấu hiệu chứng tỏ bước chuyển mình vượt bậc của Việt Nam trong ngành du lịch sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nhờ các đường bay Ấn Độ, Trung Đông - Đà Nẵng mở cửa trở lại và chính sách khắc phục dịch bệnh của nước ta đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế thông qua các đường hàng không, đường biển, đường bộ,... Không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp núi rừng, biển đảo, du khách nước ngoài còn được trải nghiệm di tích lịch sử, nền văn hóa đặc trưng gắn liền với những lễ hội truyền thống, ẩm thực đa dạng, làng nghề truyền thống,... Mỗi tỉnh thành đều chứa đựng những nét đẹp riêng biệt, hấp dẫn du khách.
Đặc biệt, lòng hiếu khách, sự nhiệt tình, thân thiện của con người Việt Nam là một trong những điều níu chân bạn bè quốc tế. Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc là nước có lượng khách đến Việt Nam đông nhất trong 10 tháng vừa qua với hơn 619.000 người, gấp 24 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ xếp thứ hai về lượng khách du lịch đến nước ta với hơn 218.000 lượt người, tăng 74 lần so với năm ngoái. Ngoài ra, những quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam cao nhất các tháng vừa qua phải kể đến như: Campuchia, Singapore, Malaysia, Úc, Trung Quốc, Đài Loan.
Với những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong thời gian vừa qua, thống kê doanh thu ngành du lịch lữ hành cho thấy ước tính đạt 19,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với kỳ năm trước. Những khu vực thành phố có doanh thu vượt ngưỡng như: Đà Nẵng tăng đến 741,4%; Cần Thơ tăng 647,4%; Hà Nội tăng 365%; TP. Hồ Chí Minh tăng 173,6%.
Giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn
Đặt những giải thưởng cùng các con số sang một bên, nền du lịch Việt Nam vẫn cần những cải cách, phương pháp thiết thực nhằm thu hút lượng khách quốc tế đến nước ta nhiều hơn nữa. Dựa theo ý kiến của Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, ngành du lịch Việt Nam cần giải quyết các vấn đề cơ bản phải kể đến như sau:
- Làm mới các sản phẩm du lịch tại các địa danh, danh lam thắng cảnh như: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị,... định hình rõ nét hơn với việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, giải trí chất lượng cao hơn cùng các loại hình du lịch mới khác như: Du lịch thông minh, Du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch bền vững...
- Đào tạo chất lượng nhân lực ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch: Tạo ra các chính sách thu hút nhân sự đã nghỉ việc quay trở lại công việc, tăng cường hoạt động đào tạo, nâng cao nghiệp vụ; hợp tác đào tạo nhân lực giữa địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế khác.
- Gia tăng năng lực cạnh tranh điểm đến thu hút, giúp khách hàng quốc tế có xu hướng muốn quay trở lại Việt Nam du lịch.
- Đẩy nhanh kỹ thuật chuyển đổi số trong ngành du lịch và thúc đẩy quá trình quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch, phục hồi sau đại dịch Covid-19 đi qua.
Như vậy, có nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế đến nước ta nhiều hơn. Tuy nhiên vẫn đòi hỏi sự nỗ lực lớn của ban ngành, tổ chức, cộng đồng người Việt Nam chung tay góp sức thông qua các hành động hằng ngày, cách trò chuyện, giao tiếp, quá trình phục vụ khách hàng,... Tất cả điều này làm nên vẻ đẹp về đất nước Việt Nam xinh đẹp, nồng hậu, là niềm tự hào của bao thế hệ trẻ.