Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành du lịch phấn đấu năm 2024 đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỉ đồng.
Đây là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 với ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) do Bộ VHTT&DL tổ chức.
Theo đó, Thủ tướng đánh giá năm 2023, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, các vùng tiếp tục được tăng cường.
Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá khi khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỉ đồng, vượt 3,38%.
Dù lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.
Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ VHTTDL xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỉ đồng.
Đồng thời, trong năm 2024, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng.
Nếu đạt mục tiêu 18 triệu lượt khách, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn so với năm 2019 về chỉ tiêu của thị trường quốc tế. Hoàn thành mục tiêu mới về doanh thu trong năm 2024 đồng nghĩa ngành du lịch vượt qua mức tổng thu kỷ lục 755.000 tỉ đồng trước đại dịch.
Bước sang 2024, ngành du lịch ghi nhận những tín hiệu tích trong kỳ nghỉ đầu tiên của năm mới. Ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, ước tính cả nước phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nguồn khách quốc tế đến chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ.
Một số tỉnh thành đón đông khách quốc tế phải kể đến: Hà Nội với khoảng 72.000 lượt, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; TP. Hồ Chí Minh ước đón 46.500 lượt, tăng 86,1%; Lào Cai ước đón 20.500 lượt.
Đà Nẵng ước đón 434 chuyến bay quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023; Khánh Hòa ước đón 169 chuyến bay quốc tế với khoảng 31.000 hành khách; Quảng Ninh đón 2 siêu du thuyền với 3.700 khách quốc tế trong ngày 31.12.2023 và 1.1.2024…
Bình Thuận đề xuất kéo dài thời hạn visa cho khách quốc tế
Nêu Giải pháp, bài học kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại hội nghị sáng 3.1, Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận đề nghị cấp visa dài hạn hơn (từ 1 - 3 tháng) cho khách du lịch quốc tế hoặc tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam. Mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh...
Bên cạnh đó, cần có các nghiên cứu, khảo sát chuyên đề về nhu cầu du khách quốc tế của các thị trường trọng điểm ở cấp quốc gia để giúp các địa phương có điều kiện được tiếp cận, sử dụng nguồn tư liệu này cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu của điểm đến phù hợp.
Có các chương trình đào tạo nhân lực cấp trung trở lên chuyên sâu về marketing (tiếp thị), kỹ năng chăm sóc khách hàng…chuẩn quốc tế để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo chuẩn dịch vụ đồng bộ trên cả nước cho thị trường khách quốc tế; vừa giúp các địa phương có nhân sự đào tạo tại chỗ cho lao động cấp thấp hơn.
Tăng cường tổ chức, kết nối với các đơn vị lữ hành quốc tế, kết nối giữa lữ hành quốc tế với lữ hành nội địa để tổ chức các đoàn famtrip khảo sát, xây dựng tour du lịch đến các địa phương.
Dựa trên đặc điểm sản phẩm du lịch vùng, đề nghị Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nắm giữ vai trò điều phối để xây dựng các sản phẩm quảng bá chung theo vùng, có tính riêng biệt, độc đáo hoặc là sản phẩm quảng bá chuyên đề để dùng chung khi đi quảng bá xúc tiến các nước; trên tinh thần các tỉnh đều có những hình ảnh được giới thiệu với bạn bè quốc tế, bên cạnh các sản phẩm quảng bá mang tính chọn lọc, đại diện một số điểm đến như hiện nay.
Lâm Đồng thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch
Tại Hội nghị sáng 3.1, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng báo cáo năm 2023 địa phương đón tiếp và phục vụ hơn 8,6 triệu lượt (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023). Trong đó, khách quốc tế đạt 400.000 lượt (tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 160% kế hoạch năm 2023).
Với chủ trương, chính sách đầu tư ngày càng được cải thiện, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư là 47.830 tỉ đồng (hiện có 40 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 37 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động một phần, 27 dự án đang triển khai xây dựng và 16 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư).
Hiện nay, Lâm Đồng đang ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh là du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông (nông nghiệp) và đa dạng hóa các nhóm sản phẩm du lịch hỗ trợ: chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh.
Theo dulich.laodong.vn