Trải nghiệm đạp xe ở làng cổ Phước Tích
Bỏ thói quen “ăn xổi”
Tháng 7/2023, ngành du lịch 3 tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng “bắt tay” khảo sát và tổ chức hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh 3 địa phương trong vùng. Quyết tâm rất lớn được đặt ra để liên kết phát triển du lịch xanh giữa 3 địa phương và cũng là hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Du lịch xanh dần trở thành xu thế tất yếu. Năm nay, ngày Du lịch thế giới (ngày 27/9) hướng đến chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh”. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xác định đầu tư là một trong những ưu tiên chính để phục hồi, tăng trưởng và phát triển du lịch trong tương lai. Ngày Du lịch thế giới 2023 kêu gọi hành động đến từ cộng đồng quốc tế, chính phủ, tổ chức tài chính, đối tác phát triển và nhà đầu tư khu vực tư nhân cùng đoàn kết xung quanh chiến lược đầu tư du lịch mới.
Tại Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, vấn đề du lịch xanh đã được quan tâm từ rất sớm. Ngành du lịch của tỉnh chọn kết nối xanh làm định hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh. Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ còn có cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị, cây xanh, công viên xanh bố trí trải đều khắp thành phố, dọc các con sông, đã giúp Huế gây ấn tượng mạnh với du khách.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững không chỉ là trách nhiệm của mỗi một địa phương, mà cần sự phối hợp, liên kết, hỗ trợ nhau. Với những lợi thế và mối gắn kết lâu nay, các địa phương trong vùng có thể thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch xanh; chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng các mô hình sản phẩm/dịch vụ du lịch xanh, bền vững; trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn môi trường tự nhiên.
Cần giải pháp đồng bộ
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Du lịch xanh được định hướng phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Trên thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân đang hưởng ứng rất tốt để hướng đến những giá trị của bảo vệ môi trường và du lịch xanh. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, những năm qua, công ty dành phần thời gian kết hợp, hỗ trợ trên 10 cộng đồng tại Huế từ miền núi A Lưới, Nam Đông, đến các làng nghề và nhà vườn Thủy Biều, TP. Huế, vùng đầm phá và biển. Phát triển du lịch xanh chỉ bền vững khi người dân là chủ thể, gắn với môi trường thiên nhiên.
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề “Du lịch xanh” như: nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám, chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm chụp ảnh check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi, giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm…
Khi đà tăng trưởng phát triển du lịch trở lại mạnh mẽ, nỗi lo đi kèm là làm sao phát triển du lịch bền vững được đặt ra. Trong bối cảnh đó, phát triển du lịch xanh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; đặc biệt là giữa ngành văn hóa, du lịch và chính quyền các địa phương trong việc bảo tồn, trùng tu, quản lý khai thác một cách hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa hiện có; cũng như trong công tác đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo khả năng tiếp cận thuận lợi nhất từ khu vực trung tâm Cố đô Huế đến các điểm du lịch trong toàn tỉnh. Cần nâng cao ý thức của người dân về lợi ích phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững từ những hoạt động nhỏ nhất.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí Du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh.