Sự kiện Đà Lạt và Hội An được vinh danh vào thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO vừa là vinh dự vừa là thách thức cho mỗi địa phương. Các thành phố mới được công nhận cam kết sẽ triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến để khai thác văn hóa và sáng tạo như một phần của chiến lược phát triển, đồng thời thể hiện các thực tiễn đổi mới trong quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm.
Biểu diễn âm nhạc Tây Nguyên tại điểm công cộng ở TP. Đà Lạt.
Với TP. Đà Lạt, sự kiện càng có ý nghĩa vào thời điểm tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2023). Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết, trở thành Thành phố sáng tạo là sự kiện đặc biệt quan trọng, được người dân thành phố chờ đón từ nhiều ngày qua. Có được danh hiệu này đã khó, nhưng giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Thành phố cam kết thực hiện các trách nhiệm di sản âm nhạc của tương lai với 4 nội dung: Lưu trữ có hệ thống kho tàng âm nhạc của các dân tộc Đà Lạt; tổ chức các buổi thảo luận do cộng đồng thực hiện; nâng cao năng lực, kỹ năng mềm cho cộng đồng; thử nghiệm sự sáng tạo về âm nhạc. Đồng thời, cam kết tạo điều kiện phát triển âm nhạc cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật…
Người đứng đầu chính quyền Đà Lạt cũng cho biết, thành phố đề xuất 3 sáng kiến đối với quốc tế như tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hằng năm; tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại các điểm công cộng. Hoạt động này là không gian để du khách và người dân địa phương biểu diễn trên các tuyến đường phố hoặc địa điểm công cộng. TP. Đà Lạt còn đề xuất sáng kiến tổ chức Festival Hoa - Âm nhạc 2 năm một lần.
Trường Cao đẳng Đà Lạt là Di tích Kiến trúc quốc gia, nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc trong nước hấp dẫn.
Đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Đặng Quang Tú đã tham dự Diễn đàn toàn cầu thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO Daegu lần thứ sáu tại Hàn Quốc với chủ đề “Nâng cao vai trò của âm nhạc trong giảm thiểu các thách thức từ biến đổi khí hậu”. Diễn đàn có trên 200 đại biểu đến từ các thành phố sáng tạo của 10 quốc gia, gồm: Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Italia, Tây Ban Nha, Indonesia và Estonia. Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Quang Tú nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các cam kết với UCCN, TP. Đà Lạt sẽ góp phần nâng cao vai trò của âm nhạc trong việc giảm thiểu các thách thức đến từ quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong 4 năm tới, Đà Lạt mong nhận được sự chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến đến từ các thành phố trên thế giới, đặc biệt là từ Deagu. Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, với tư cách là Thành phố sáng tạo mới gia nhập mạng lưới các thành phố âm nhạc của UNESCO, các sáng kiến địa phương và quốc tế mà Đà Lạt đã cam kết như “Thanh âm của đại ngàn” hay “Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt”… đều hướng tới việc góp phần gia tăng tính thích ứng, giảm nhẹ áp lực đô thị và sử dụng các giải pháp âm nhạc, nhằm tạo động lực kết nối và định hình chuỗi hành động hướng tới một nền kinh tế sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhựa và thực phẩm..., lan tỏa nhận thức chung tay vì một Đà Lạt xanh và trong lành, vì một hành tinh trung hòa về khí hậu.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được khởi xướng từ năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa là trọng tâm của các kế hoạch phát triển đô thị. Hiện mạng lưới có 350 thành phố ở hơn 100 quốc gia, đại diện cho 7 lĩnh vực sáng tạo: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc. Các thành phố sáng tạo mới được chỉ định và mời tham gia Hội nghị thường niên UCCN 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 5/7/2024 tại Braga, Bồ Đào Nha, với chủ đề “Đưa tuổi trẻ vào cuộc trong thập kỷ tới”.