Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn kỳ vọng vào nhu cầu “du lịch trả thù” sau đại dịch
admin | Đăng lúc 9:50 - 24/08/2021

Du lịch - khách sạn là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bậc nhất trong giai đoạn hiện nay. Nỗi đau này còn kéo dài khi các đợt giãn cách xã hội liên tiếp diễn ra, các doanh nghiệp chưa kịp hồi phục thì đã tiếp tục nếm mùi thua lỗ.

Nửa đầu năm 2021, các tỉnh thành lớn đều trải qua 2 đợt giãn cách xã hội, cũng bởi vậy nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn đều khó tránh khỏi việc kết quả kinh doanh bê bết. Một số doanh nghiệp đại chúng có công bố báo cáo tài chính đã phần nào hé lộ thiệt hại mà đại dịch Covid-19 mang lại trong vòng 6 tháng qua.

CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) - doanh nghiệp khai thác và vận hành các khu nghỉ dưỡng 5 sao “sang - xịn - mịn” bậc nhất Six Senses Ninh Van Bay (TP.Nha Trang), mới đây Ninh Van Bay cũng vừa đầu tư thành công vào Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (Đà Lạt) và khu nghỉ dưỡng Mũi Né. Các công ty liên doanh liên kết cũng đang khai thác du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ liên quan tại các dự án như Khu nghỉ dưỡng Emeralda Ninh Bình.

Nếu như năm 2020 - giai đoạn đầu kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch - Ninh Vân Bay gây bất ngờ với việc vẫn có lợi nhuận gần 20 tỷ đồng thì đến 6 tháng đầu năm nay, công ty này đã phải quay đầu báo lỗ.

Cụ thể, riêng trong quý 2/2021 vừa rồi, doanh thu thuần giảm 17% cộng với chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt khiến NVT lỗ thuần 11,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Cùng với khoản lỗ khác dù không quá lớn, ông chủ Six Senses Ninh Van Bay đã lỗ 12,4 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 1,9 tỷ đồng), đưa khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm lên 13,9 tỷ đồng. Theo đó, mức lỗ lũy kế trên bảng cân đối tài chính đã chạm mức 666,6 tỷ đồng.

Ở thị trường Hà Nội, kết quả không mấy khả quan của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội cũng được hé lộ phần nào trong báo cáo tài chính của CTCP Chế tạo Điện Cơ Hà Nội (HEM). HEM hiện đang sở hữu 35% cổ phần Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, đây là chủ đầu tư của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO, là công ty liên doanh giữa HEM và công ty SAS Trading, thành viên Tập đoàn đa ngành TCC của tỷ phú Thái Lan. 

Báo cáo tài chính của HEM cho thấy, trong riêng quý 2 vừa rồi, công ty này ghi nhận phần lỗ gần 2 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết. Tích cực hơn một chút, trong vòng 6 tháng, hoạt động của mảng này vẫn đưa lại lợi nhuận 759 triệu đồng, dù thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (2,7 tỷ đồng).

Trong khi đó, ở đầu cầu TP.HCM, CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH) - chủ sở hữu khách sạn Saigon Hotel nằm ở vị trí đắc địa thuộc Quận 1, TP.HCM tiếp tục cho thấy ảnh hưởng lớn của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp. Trước đó, năm 2020, Saigon Hotel đã phải ghi nhận mức lợi nhuận ròng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây thì ở kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 338 triệu đồng, giảm đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, ít ra Saigon Hotel vẫn còn có lãi ở cả quý 1 và quý 2, dù không lớn nhưng vẫn đủ để bù các chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Kỳ vọng với nhu cầu “du lịch trả thù” sau đại dịch

Trong quý 2, thị trường khách sạn tại TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề hơn thị trường Hà Nội bởi lệnh giãn cách xã hội được ban hành từ giữa tháng 5 (Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 vào tháng 7).

Báo cáo phân tích thị trường của Savills quý 2/2021 cho biết, dù thị trường khách sạn Hà Nội có sự phục hồi vào tháng 4 nhưng làn sóng dịch Covid-19 cuối tháng 4 đã đẩy công suất phòng quý 2 xuống còn 27%. Tuy nhiên, công suất thị trường vẫn tăng 6 điểm phần trăm theo năm do giãn cách xã hội giai đoạn này được nới lỏng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nguồn cung ở Hà Nội ổn định với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khác sạn 3 sao. Tới cuối quý 2, 5 khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do dịch Covid-19 và để sửa chữa, trong khi 10 khách sạn 3-5 sao được chọn làm địa điểm cách ly.

Trong khi đó ở thị trường TP.HCM, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào quý 2, các biện pháp giãn cách khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, với 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm -11% theo quý ở cả ba phân khúc, còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung tăng 7% theo năm, với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Nhu cầu cách ly  và khách trong nước tiếp tục tăng. Trong quý 2, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở Quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình.

Tiêu dùng & Dư luận - Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn kỳ vọng vào nhu cầu “du lịch trả thù” sau đại dịch (Hình 2).

Tình hình hoạt động phân khúc khách sạn khu vực TP.HCM.

Bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý bộ phận nghiên cứu TP.HCM, Savills đánh nhận định: “Tình hình hoạt động có sự cải thiện khi nhiều khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí. Nhìn chung, phân khúc khách sạn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; tuy nhiên, thị trường Việt Nam được định vị tốt trong khu vực cho nhu cầu 'du lịch trả thù’ sau đại dịch”.

Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, song chuyên gia Savills vẫn bày tỏ hy vọng, với triển vọng nhiều hứa hẹn của ngành khách sạn sau đại dịch. Nguồn cung tăng lên cùng với sự tự tin từ việc triển khai tiêm vắc xin và kế hoạch thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin ở Phú Quốc và Quảng Ninh sẽ là bước tiến quan trọng.

“Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai tiêm vắc xin sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa. Tại Mỹ, các khách sạn đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc giá phòng tăng do nguồn cầu lớn, kỳ vọng của khách hàng cũng tăng. Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn đó khi du lịch trở lại”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

 

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll