Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu mở cửa hoàn toàn thị trường quốc tế, Bộ VH-TT&DL đề xuất mốc 31/3/2022 tới đây sẽ mở rộng đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu, chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn.
Báo cáo kết quả triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, tính đến hết 23/1/2022, ngành du lịch đã đón trên 8.500 khách du lịch đến 3 địa phương là Phú Quốc (1.282 khách), Khánh Hòa (7.000 khách) và Quảng Nam (239 khách); chủ yếu đến từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Nhìn chung, khách du lịch quốc tế tham gia chương trình thí điểm đón khách của Việt Nam đều cho phản hồi tích cực sau khi trải nghiệm các loại hình du lịch, các sản phẩm, dịch vụ tại những điểm đến trong kế hoạch tham quan. Họ đồng thời bày tỏ sự tin tưởng với các biện pháp phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của nước ta. Do đó, đã đến lúc Việt Nam nên tính toán để lên kế hoạch chi tiết và áp dụng mở cửa du lịch hoàn toàn, càng sớm càng tốt.
Lộ trình mở cửa du lịch hoàn toàn thế nào?
Cụ thể, lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế được đề xuất sẽ là:
- Giai đoạn từ nay đến 30/3/2022: tiếp tục chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2, trong đó:
+ Mở rộng đối tượng và phạm vị đón khách, các địa phương là vùng xanh, đã tiêm phủ mũi 3 được phép đón khách
+ Linh hoạt trong yêu cầu xét nghiệm, có thể xét nghiệm tại điểm đến hay cơ sở lưu trú
+ Mở rộng địa điểm du lịch cho du khách, khách du lịch có thể đến vùng cho phép đón khách, không phân biệt khách nội địa hay khách quốc tế, không hạn chế thời gian đi du lịch của khách
- Giai đoạn từ 31/3/2022 trở đi: mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam (inbound) đồng thời đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế trên cả nước.
Tại sao mở cửa du lịch hoàn toàn từ 31/3 là hợp lý?
Theo Bộ VHTTDL, việc mở cửa ở thời điểm từ 31/3/2022 là cần thiết và thích hợp, bởi:
- Dự kiến đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng mũi 3, đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng
- Vừa đủ thời gian để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện liên quan; các doanh nghiệp du lịch cũng kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường để chuẩn bị đón khách
- Phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm trước đó
- Tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tránh chậm trễ sẽ làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong khi các quốc gia khác trong khu vực đang và sẽ mở cửa du lịch sớm
- Sẵn sàng gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN khi đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao ĐNÁ 2021 vào tháng 5/2022
Cần chuẩn bị gì để mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả?
Bao gồm:
- Ban hành Hướng dẫn thủ tục nhập - xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước
- Tăng cường đàm phán để gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận “Hộ chiếu vaccine” của Việt Nam để đưa khách đi du lịch nước ngoài theo hình thức outbound
- Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các địa điểm du lịch nổi bật của Việt Nam
- Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch cần tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý các sự cố y tế phát sinh nếu có
- Các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Như vậy, thay vì mở cửa ngay từ tháng 2 như hối thúc của nhiều chuyên gia, nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ VHTTDL có căn cứ để đề xuất mốc 31/3. Giờ chỉ còn đợi Thủ tướng phê duyệt để đi vào thực thi thực tế. Hy vọng du lịch Việt sẽ nắm bắt được thời cơ để sớm phục hồi và chuyển mình mạnh mẽ.