Từ nay đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu khôi phục, bảo tồn được từ 1 - 2 nghề truyền thống và từ 1 - 2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới từ 2 - 3 nghề và từ 1 - 2 làng nghề truyền thống; phát triển từ 2 - 3 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường; thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP
Để thực hiện, nhiệm vụ đặt ra là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề. Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Dệt thổ cẩm Chăm
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng nghề gốm người Chăm xã Phan Hiệp - Bắc Bình.
Hiện nay việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã được quan tâm. Ngoài mục tiêu bảo tồn phương thức, kỹ thuật, nguyên liệu làm gốm truyền thống và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới việc xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức. Phấn đấu đến năm 2030, số hộ duy trì nghề gốm tăng từ gần 11% lên hơn 15%, số nghệ nhân duy trì nghề gốm tăng từ gần 12% lên hơn 16%. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp quan trọng như: Quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ nghệ; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề; mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành nghề gốm cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Chăm địa phương… đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, góp phần đưa sản phẩm gốm thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị tăng cao.
Theo Dulichvn.org.vn