Với nhiều khách sạn 4 - 5 sao, sau khi check-in dẫn khách lên nhận phòng, dù biết là phòng trống nhưng nhân viên vẫn thực hiện thủ tục gõ cửa 3 tiếng rồi mới dùng thẻ từ mở cửa mời khách vào trong. Bạn có thắc mắc vì sao lại như vậy?
Dù biết phòng trống nhưng vì sao nhân viên khách sạn vẫn gõ cửa?
► Tránh trường hợp hệ thống báo nhầm phòng
Thực tế thì mục đích của việc gõ cửa này là để tránh trường hợp hệ thống báo nhầm phòng có khách hay nhân viên buồng đang dọn dẹp, kỹ thuật viên đang kiểm tra - sửa chữa… Trong khách sạn, lễ tân - buồng phòng và kỹ thuật là 3 bộ phận riêng rẽ nên nhiều khi thông tin vẫn có sự sai lệch, chưa cập nhật kịp thời.
Khi nhân viên dẫn khách check-in gõ cửa - đó là lời báo động để lỡ nếu có người bên trong họ sẽ nghe được và có sự chuẩn bị để không bị khó xử khi mở cửa phòng.
Một Quản lý khách sạn 5 sao cho biết, đôi khi thông tin trên hệ thống khách sạn có sự không khớp giữa các bộ phận với nhau, dẫn đến việc nhầm phòng có khách đang ở - phòng chưa dọn dẹp… thành phòng trống sạch sẵn sàng đón khách mới. Bên cạnh đó, có thể là sai sót từ bộ phận lễ tân khi chưa kiểm tra hệ thống kỹ dẫn đến trường hợp xếp 2 khách vào cùng 1 phòng.
► Ngăn ngừa những sai sót mùa cao điểm
Vào mùa đông khách, nhiều khách sạn luôn trong tình trạng kín phòng. Việc khách check-in, check-out liên tục hay khách đến nhận phòng sớm, khách trả phòng muộn… với khối lượng công việc lớn như vậy - nhiều khi nhân viên lễ tân giữa các ca làm việc quên chưa cập nhật thay đổi trên hệ thống. Nếu phát sinh sai sót này thì rất dễ dẫn đến trường hợp nhân viên dẫn khách vào phòng đang có người ở. Khi đó nhân viên khách sạn có thể dễ dàng đưa ra lời xin lỗi khách hơn là tự động mở của đi thẳng vào trong.
Sai sót nhầm phòng có thể xảy ra vào mùa đông khách
► Tránh tình huống lễ tân báo nhầm số phòng
Một trong những lý do giải thích cho việc cần phải gõ cửa phòng là tránh tình huống lễ tân thông báo nhầm số phòng. Dù ít gặp nhưng đôi khi vẫn sẽ xảy ra việc nhân viên đọc ghi nhớ trong đầu 1 số phòng - ví dụ là 504, nhưng khi lấy thẻ từ và đưa cho nhân viên dẫn khách lên phòng 1 số khác - 304. Cho nên việc gõ cửa phòng trước là điều cần thiết.
► Do yếu tố tâm linh
Ngoài những nguyên do nghiệp vụ trên đây thì nhiều nhân viên làm việc lâu trong ngành khách sạn cũng cho biết gõ cửa trước khi vào phòng trống là hành động mang yếu tố tâm linh. Không giống như phòng ngủ ở nhà, phòng khách sạn là nơi đón tiếp rất nhiều lượt khách lưu trú và nhiều khi lại bỏ trống nhiều đêm - cho nên nhiều người tin rằng có những vị khách “bí ẩn” trú ngụ. Và việc gõ cửa như là lời xin phép họ vào phòng và để khách lưu trú có giấc ngủ ngon, không gặp phải những hiện tượng kỳ bí.
Với nhiều khách lưu trú cẩn thận hơn, sau khi nhân viên gõ cửa, nam giới sẽ đứng sang bên trái cửa - nữ giới đứng cách bên phải cửa khoảng 1m rồi mới bước vào phòng. Sở dĩ có hành động này là do nhiều người quan niệm đó là cách thức tiễn âm khí đi và đón vượng khí vào.
Dù việc gõ cửa rồi mới mở phòng cho khách lưu trú vào có mang yếu tố tâm linh hay không thì hành động này cũng nên áp dụng cho mọi cơ sở lưu trú. Bởi chẳng mất mát gì 3 tiếng gõ cửa để đảm bảo không xảy ra những tình huống trớ trêu cho cả khách thuê phòng và nhân viên khách sạn, đồng thời cũng mang lại cảm giác an tâm cho lượt khách lưu trú mới….
Theo Hoteljob.vn