Những gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
admin | Đăng lúc 15:40 - 20/07/2023

Trong hoạt động kinh doanh của nhà hàng, vì nhiều lý do khác nhau (tiền thuê mặt bằng tăng cao, giá nguyên vật liệu tăng, nâng cấp không gian, quy mô của nhà hàng,...)  thì việc tăng giá trong menu sẽ là một điều không tránh khỏi. Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để tăng giá trong thực đơn một cách hợp lý mà không mất khách hàng. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn có câu trả lời cho vấn đề này.

 

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Làm thế nào để tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách? (Ảnh: nguồn internet)

Làm thế nào để tăng giá trong thực đơn một cách hợp lý?

Nâng cao chất lượng phục vụ

Hãy đền bù cho khách hàng về việc tăng giá bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ của nhà hàng. Chất lượng phục vụ sẽ là một phần rất quan trọng trong hoạt động của nhà hàng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của thực khách - vấn đề quyết định đến sự thành công. 

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Thái độ phục vụ của nhân viên là yếu tố cực kỳ quan trọng trong hoạt động của nhà hàng
(Ảnh: nguồn internet)

Trong việc nâng cao chất lượng phục vụ thì nhân viên sẽ là yếu tố đóng vai quyết định, vì nhân viên sẽ là những người trực tiếp phục vụ thực khách và đem lại sự hài lòng cho họ. Đa số khách hàng sẽ không phàn nàn gì về việc giá vài món trong thực đơn tăng nhưng kèm theo đó chất lượng phục vụ cũng tăng cao - điều này sẽ là một sự bổ sung cực kỳ cần thiết cho việc làm sao tăng giá trong thực đơn mà có thể giữ chân được khách.

Nói rõ lý do tăng giá với khách hàng

Dù bất kỳ lý do gì (về giá thực phẩm tăng, giá thuê mặt bằng,...) thì bạn cũng nên thành thật với khách hàng, điều này sẽ làm cho họ cảm thấy tin tưởng hơn vào nhà hàng.

Khách hàng dù đôi khi có các phản ứng về việc tăng giá tuy nhiên thông qua việc công khai giá mới cũng như đưa ra được lý do hợp lý cho sẽ khiến họ dễ dàng chấp nhận hơn. Tuy nhiên đừng nên “lấy bừa” một lý do nào đó để biện minh cho việc tăng giá, khách hàng sẽ bỏ đi vì thấy nó thật vô lý và khó chấp nhận. Bên cạnh đó hãy thông báo về vấn đề tăng giá một cách tích cực và cho khách thấy việc đó là hợp lý và công bằng, thực khách phần nào sẽ dễ dàng cảm thông và tin tưởng nhà hàng hơn.

Nói lời cảm ơn thay vì xin lỗi khách

Bạn cần gửi lời cảm ơn đến với thực khách vì đã tin tưởng và ủng hộ nhà hàng trong suốt thời gian qua và mong rằng họ sẽ tiếp tục trong thời gian sắp đến. Việc nói lời cảm ơn sẽ khiến cho khách hàng thấy được họ có vai trò quan trọng và việc mong họ có thể cảm thông đối với việc tăng giá lần này vì nó là bất đắc dĩ. Bên cạnh đó khi nhận được lời cảm ơn sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy được sự quan tâm, ghi nhận của nhà hàng đối với những đóng góp của họ - điều này làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng hơn thay vì nhận được câu xin lỗi vì việc tăng giá bán.

Tuy nhiên cũng tránh việc đặt khách vào các tình thế đã rồi, lợi dụng sự tin tưởng khách hàng rồi áp đặt việc cảm ơn như một chuyện đã rồi, điều này có thể khiến khách của bạn bỏ đi và sẽ không bao giờ quay lại nữa.

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Gửi lời cảm ơn đến khách hàng để họ cảm thấy được sự quan tâm của nhà hàng đối với họ

Hãy gửi thông báo đến cho những khách hàng thân thiết

Điều quan trọng là bên cạnh việc điều chỉnh giá một cách hợp lý thì cũng nên thông báo trước để khách hàng thân thiết để “chuẩn bị tâm lý”, tránh việc họ có thể bị sốc vì mức giá mới. Việc này dù có thể khiến khách hàng có thời gian cân nhắc và rời bỏ nếu không đồng tình với mức giá mới, tuy nhiên điều quan trọng nhất đó chính là sự hài lòng của khách hàng; việc họ cằn nhằn hay tức giận khi không được thông báo về sự thay đổi giá còn ảnh hưởng đến nhà hàng nhiều hơn, vì vậy hãy để cho họ có thời gian “thích nghi” với mức giá mới đó.

Hãy để cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn

Rất nhiều khách hàng dù biết được lý do tăng giá là chính đáng hay nhận được thông báo về các thay đổi trong giá thực đơn của nhà hàng nhưng họ vẫn không chấp nhận mức tăng mà bạn đưa ra. Chính vì vậy để hoạt động kinh doanh của nhà hàng được thông suốt hãy bổ sung những sự lựa chọn cho khách hàng.

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Hãy để cho khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn về thực đơn của họ

Hãy để cho khách hàng có các lựa chọn khác nhau tương thích với nhiều mức chi trả và khẩu phần ăn của họ; vẫn là món ăn đó nhưng có thể giữ nguyên giá nhưng định lượng ít lại một chút hoặc định lượng không thay đổi nhưng giá sẽ tăng - điều này giúp khách có thể không phải đắn đo khi lựa chọn cũng như tạo ra sự thoải mái ở khách hàng hơn việc áp đặt họ vào một trường hợp nhất định nào đó.

Tăng thêm giá trị cho món ăn

Điều quan trọng là việc tăng thêm nhiều giá trị cho món ăn để có thể đạt được sự thỏa thuận hợp lý với khách. Hãy nâng cao chất lượng món ăn đó cũng như thêm vào các giá trị mới để có thể dễ dàng thuyết phục khách hàng trả tiền hơn cho cùng một món ăn mà họ trả ít hơn trước đó. Việc này vừa có thể giúp khách hàng không cảm thấy khó chịu về việc tăng giá vì họ đang trả tiền cho một món ăn với chất lượng cao hơn đồng thời tạo được thay đổi mới trong thực đơn của nhà hàng.

Việc tăng giá trị món ăn có thể đến từ việc tăng thêm lượng thức ăn trong món đó, đa dạng các món ăn kèm hoặc sử dụng một nguồn nguyên liệu tốt hơn để chế biến - thực khách sẽ nhận thấy được những thay đổi chất lượng trong món ăn và việc tăng giá sẽ được họ chấp nhận.

Nói về giá trị của món ăn đem đến phù hợp với mức giá đưa ra

Khách hàng là những người luôn nhạy cảm về giá, có những người chỉ lựa chọn món ăn dựa trên giá cả chính vì vậy hãy nói cho họ biết về giá trị của các món ăn của nhà hàng bạn mang lại với họ để tránh việc họ nghĩ quá nhiều về mức giá. Hãy cho khách hàng thấy được giá bán mà bạn đưa ra phù hợp và tương ứng với giá trị mà khách hàng nhận được thông qua món ăn đó.

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Hãy nói rõ cho khách giá bán là phù hợp với những gì mà khách nhận được thông qua món ăn đó
(Ảnh: nguồn internet)

5 mẹo tăng giá trong thực đơn khéo léo mà nhà hàng nên tham khảo

Giữ nguyên giá và giảm số lượng

Cách này phù hợp với các món ăn bán theo số lượng nhiều, giảm bớt số lượng nhưng vẫn giữ nguyên giá sẽ làm khách hàng cảm thấy ít khó chịu hơn về vấn đề giá cả. Bên cạnh đó hãy giải thích để cho khách hiểu, rất nhiều khách có tâm lý món đó ít đi một tí nhưng vẫn giữ giá tiền cũ còn hơn phải trả hơn giá tiền cho món ăn hằng ngày nhưng chẳng có thay đổi gì.

Ví dụ như món chả cá mỗi khi có khoảng 7 lát giá bán khoảng 70.000 thì hôm nay nhà hàng có thể giảm xuống còn 5 - 6 lát nhưng vẫn giữ nguyên mức giá cũ là 70.000.

Ghi giá khuyến mãi đối với các món ăn mới

Đây là một mẹo mà được rất nhiều nhà hàng lựa chọn vì nó đánh được vào tâm lý thích món ăn khuyến mãi của khách hàng. Đối với các món ăn mới bạn có thể điều chỉnh tăng giá thêm 5 - 10% rồi ghi mức giá mới và kèm dòng chữ khuyến mãi, điều này sẽ khiến khách suy nghĩ đang trả tiền cho món ăn được khuyến mãi chứ không biết rằng nó đã tăng giá. Đồng thời sau khi hết đợt khuyến mãi khách hàng sẽ quen với mức giá niêm yết kia và không còn thấy lạ lẫm nữa. 

Ví dụ giá của món ăn bạn muốn tăng từ 50.000 - 70.000 thì hãy ghi là giá khuyến mãi giảm 20% với chỉ còn 56.000, khi đó sau khi hết đợt giảm giá thì mức giá chính thức của nó sẽ là 70.000. 

Cam kết “mức giá cạnh tranh nhất”

Nhà hàng có thể công khai với khách hàng về mức giá được tăng trong thực đơn nhưng đưa ra lời cam kết mức giá rẻ nhất trong các nhà hàng trong khu vực. Đối với khách hàng lần đầu đến nhà hàng của bạn họ sẽ tin đó là mức giá rẻ nhất trong số các nhà hàng quanh đây. Còn đối với những khách hàng thân quen của nhà hàng sẽ cảm thấy tuy mức giá tăng song đó là “mức giá cạnh tranh” nhất trong khu vực và làm cho họ cảm thấy hài lòng hơn khi thanh toán.

Ví dụ bạn thông báo cho khách hàng rằng một đĩa tôm sẽ tăng từ 100.000 lên 120.00 nhưng hãy cam kết với khách rằng họ sẽ không tìm thấy bất kỳ một nhà hàng nào trong khu vực này bán rẻ hơn nhà hàng của bạn. 

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Cam kết với khách hàng là mặc dù giá thực đơn tăng nhưng họ sẽ không tìm thấy nhà hàng nào rẻ hơn quanh đây

Giữ nguyên giá và giảm khối lượng

Tương tự với cách trên nhưng áp dụng cho các món ăn tính theo khối lượng, tức là các món ăn tính theo cân nặng và kích thước. Chỉ cần bạn giảm đi một ít nhưng vẫn giữ nguyên giá bán thì khách hàng vẫn cảm thấy hài lòng về giá cả, đừng quên nói điều này với khách để khách có thể “cảm thông” với nhà hàng.

Ví dụ món bò lúc lắc khoai tây chiên bình thường qui định 1 dĩa khoảng 700g thịt bò thì ta có thể giảm xuống còn 500 - 600g sao cho phù hợp nhưng vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Đưa ra các chương trình khuyến mãi 

Khi bắt đầu tăng giá trong menu hãy đi kèm theo một số chương trình khuyến mãi như tặng voucher, tặng quà, thẻ tích điểm khi đến nhà hàng,... khách hàng sẽ cảm thấy lời và hài lòng với dịch vụ của nhà hàng.

Ví dụ: Có thể tăng giá món tôm từ 100.000 lên 150.000 nhưng bù lại nếu khách gọi trên 3 đĩa thì sẽ được tặng kèm một đĩa tôm nhỏ giá 50.000.

7 gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn mà không lo mất khách
Bên cạnh việc tăng giá hãy đi kèm theo các chương trình khuyến mãi để khách cảm thấy hài lòng

Trên đây là những chia sẻ gợi ý giúp tăng giá trong thực đơn một cách hợp lý mà không mất khách hàng. Khách hàng là yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động của nhà hàng, chính vì vậy cần có những kĩ năng chăm sóc khách hàng hiệu quả, giữ chân khách hàng và xây dựng mối quan hệ gắn bó với họ - làm được như vậy sẽ tạo nên thành công cho nhà hàng của bạn.

Theo Hoteljob.vn

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll