Trong khi nhà hàng A không cho nhân viên dọn bàn khi khách chưa đi khỏi thì nhà hàng B lại yêu cầu phục vụ phải quan sát và lấy đi đĩa thức ăn khách không dùng nữa khi thích hợp để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Vậy không tính trường hợp khách thanh toán và rời đi, khi nào thì dọn được? Có cách xác định nào không? Nếu chưa tìm được nhiều thông tin, cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Tại sao dọn bàn/ đĩa ăn của khách lại cần thiết?
Quy định dọn bớt đi đĩa thức ăn khách không dùng nữa để bàn trông gọn gàng và dễ nhìn hơn thay vì bày bừa, vươn vãi khắp nơi như mớ hỗn độn vừa giúp khách đỡ ngượng với mọi người xung quanh, từ đó hài lòng về sự nhanh nhẹn của nhân viên nhà hàng cũng như chất lượng phục vụ tại đó.
Mặt khác lại kích thích họ gọi thêm món nếu còn nhu cầu vì thấy bàn trống, sẽ có cảm giác như mình vẫn chưa ăn quá nhiều, từ đó giúp nhà hàng tăng doanh thu.
Một điều nữa chính là dọn bớt đĩa ăn bẩn trên bàn giúp giãn bớt công việc cho nhân viên, tránh dọn cùng lúc quá nhiều thứ vừa mất sức, lại tốn thời gian, cũng không đảm bảo chất lượng và dễ gây bể vỡ hay còn xót đồ.
Dọn bàn/ đĩa ăn đi: Nghĩ đơn giản nhưng cần khéo léo và chuyên nghiệp!
Đừng nghĩ việc dọn bàn/ đĩa ăn bẩn chỉ là đến bàn đó rồi đưa tay lấy nó đi là xong. Công việc này thật ra cần độ chính xác và khéo léo hơn nhiều. Một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp sẽ biết khi nào thì nên và có thể đến dọn bàn/ đĩa ăn đi - Xin phép thế nào để khách vui vẻ đồng ý và hài lòng về hành động này thay vì cau có, tức giận vì cho rằng nhà hàng đang có ý đuổi mình - Thao tác thế nào cho nhanh, gọn và lịch sự để vừa không vướng khách, không làm rơi rớt hay bể vỡ lại không xen vào không gian riêng tư của khách… Đấy, liệu mà còn nghĩ đơn giản nữa đi!
Nhân viên phục vụ dọn bàn/ đĩa ăn của khách khi nào?
Đến đây, hẳn nhiều bạn trẻ mới vào nghề sẽ thắc mắc: “Khi nào thì dọn bàn/ đĩa ăn của khách?”.
Sự thật là không có câu trả lời cho thời điểm chính xác nhất để nhân viên nhà hàng làm việc đó. Bởi, mỗi khách có nhu cầu và thái độ khác nhau, có người thích người không hoặc ăn dàn trải tất cả các món trên bàn thay vì ăn theo thứ tự chính - phụ như kiểu Âu. Tuy nhiên, điểm chung của quyết định dọn bàn/ đĩa ăn của khách chính là lúc họ đã dùng xong hoặc không còn dùng nữa (vì không hợp khẩu vị, no…). Mặt khác, người phục vụ cũng sẽ làm công việc này dựa vào khả năng quan sát và đánh giá tình hình, trên cơ sở phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Mức độ dịch vụ mà nhà hàng cung cấp, có hay không quy định dọn bớt bàn/ đĩa ăn của khách khi khách vẫn còn dùng bữa
- Tình hình quán hiện tại hoặc thời gian dùng bữa của khách, thời gian đóng cửa của nhà hàng
- Kỳ vọng của khách tại thời điểm phục vụ, khách có vui vẻ hợp tác và đồng ý để nhân viên dọn bàn/ đĩa ăn đi không
Vậy khi nào thì nhận biết khách dùng xong hoặc không dùng nữa? - Chẳng hạn:
- Khách đã ăn xong và không còn đồ trên đĩa hoặc còn đồ không ăn được, dùng trang trí
- Khách đặt dao và nĩa vào giữa đĩa để ngầm thông báo rằng tôi không ăn món này nữa
- Khách không chạm đũa, thìa, nĩa vào thức ăn lâu hơn 15 phút liên tục
- …
Lưu ý gì khi dọn bàn/ đĩa ăn của khách?
- Chỉ dọn bàn/ đĩa ăn trước khi khách ra về khi đó là quy định của nhà hàng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ
- Cần quan sát kỹ và phán đoán chính xác thời điểm thích hợp để dọn bàn/ đĩa ăn
- Lịch sự tiến lại gần và nhỏ nhẹ hỏi: “Tôi có thể dọn bàn/ đĩa bẩn này được không, thưa ông/ bà/ anh/ chị/ quý khách?”, và chắc chắn rằng khách luôn vui vẻ đồng ý với đề nghị đó
- Chỉ dọn bàn/ đĩa ăn khi khách chưa dùng bữa xong bằng tay, không đặt khay lên bàn hay đưa xe đẩy đến để dọn hàng loạt
- Thao tác nhanh chóng và gọn gàng, không gây tiếng động hay làm rơi rớt đồ ăn, bể vỡ đồ đạc ảnh hưởng đến không gian riêng tư của khách
- Tuyệt đối không gây cho khách cảm giác như mình bị hối dùng nhanh cho xong bữa hay đuổi khéo khách ra về để dọn dẹp
- Chỉ xin phép dọn bớt khi phần đa số khách trong bàn đã dùng xong hoặc không dùng nữa, dọn bớt để dọn món mới lên; tuyệt đối không dọn 1-2 khách trong khi những vị khách khác vẫn còn dùng ngon miệng dễ khiến họ có cảm giác bị hối và nôn nóng dùng xong
- Có thể kiểm tra mức độ hài lòng của khách về chất lượng món ăn khi dọn để tăng sự gần gũi và tự nhiên bằng câu: “Thức ăn hôm nay thế nào, thưa ông/ bà/ anh/ chị?”. Nếu khách hài lòng, hãy cảm ơn. Nếu khách không vừa ý thì xin lỗi ngay, đề nghị đổi món hay cam kết sẽ phục vụ tốt hơn vào lần sau kèm theo xin góp ý của khách, không quên báo cáo cho quản lý để khắc phụ.
Theo Hoteljob.vn