Không ít nhà hàng áp dụng phí phụ thu khi thực khách mang đồ ăn từ bên ngoài vào nhà hàng để sử dụng. Trong khi người vui vẻ trả thêm theo quy định thì nhiều người khác tỏ vẻ khó chịu, bực bội, thậm chí to tiếng với nhân viên. Vậy nên hay không tính phí mang đồ ăn vào hàng hàng? Nếu nên thì tính phí bao nhiêu là hợp lý? Cùng đi tìm câu trả lời nhé!
Thế nào là “mang đồ ăn vào nhà hàng”?
Nhà hàng sẽ áp dụng tính phí (nếu có) khi thực khách mang đồ ăn - thức uống được mua hoặc mang từ nơi khác, không phải do nhà hàng cung cấp vào sử dụng bên trong không gian phục vụ của nhà hàng.
Tùy theo quy định của mỗi nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mà áp dụng tính hay không loại phí này.
Tại sao nhà hàng tính phí mang đồ ăn vào?
Nhiều khách tỏ thái độ “bất hợp tác” khi được nhân viên đề nghị chi trả phí mang đồ ăn vào nhà hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng tính phí được cho là hợp lý, bù đắp một phần vào chi phí cơ sở vật chất và con người dùng phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách như bàn ghế, tô, dĩa, dao, muỗng, nĩa, điện, nước, nhân viên phục vụ, hao mòn… Chưa kể, nếu không may thức ăn hay đồ uống mang vào không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến khách gặp vấn đề sức khỏe như dị ứng, tiêu chảy, ngộ độc… nhưng quy trách nhiệm và đòi hỗ trợ từ phía nhà hàng thì không nên.
Rủi ro thế nào khi nhà hàng tính phí mang đồ ăn vào?
Phí phụ thu này thường không cao, thậm chí không bắt buộc nhưng nếu áp dụng, nhà hàng phải đối mặt với một số rủi ro như:
- Mất khách, vì họ không đồng tình với quy định thu tiền cho việc mang đồ ăn vào nhà hàng
- Bị khách gây khó dễ, hạnh họe, ảnh hưởng đến không gian dùng bữa chung trong nhà hàng
- Áp dụng mức phí không phù hợp có thể bị khách tố chặt chém trên mạng xã hội, gây nên khủng hoảng truyền thông kèm hậu quả nghiêm trọng
- Nhân viên lợi dụng quy định này để tăng mức thu nhằm trục lợi, ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu nhà hàng
- …
Nên hay không tính phí mang đồ ăn vào nhà hàng?
Xin nhắc lại là tùy vào quy định của mỗi nhà hàng hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Việc tính phí hay không là không bắt buộc. Chủ nhà hàng và (hoặc) người quản lý cần cân nhắc, so sánh, đánh giá những được - mất nhìn thấy nếu áp dụng tính phí mang đồ ăn vào để ra quyết định phù hợp.
Thông thường, những nhà hàng quy mô, dịch vụ chuẩn quốc tế, có thương hiệu đều áp dụng tính phí mang đồ ăn vào. Bởi cả đầu bếp và người đứng đầu cơ sở không muốn chất lượng dịch vụ của cơ sở mình bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào khác, không thuộc phạm vi quản lý và cung cấp từ cơ sở mình.
Ngược lại, những nhà hàng bình dân, quy mô nhỏ, hay quán ăn, quán vỉa hè đôi khi còn khuyến khích và chấp nhận việc khách mang đồ ăn từ nơi khác đến, dùng chung với sản phẩm của quán vì cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh, ngược lại khách lại thích sự thoải mái này.
Tính phí mang đồ ăn vào nhà hàng bao nhiêu là hợp lý?
+ Cách tính phí mang đồ ăn vào nhà hàng phổ biến
Có nhà hàng sẽ áp dụng mức phí cụ thể chung - có nhà hàng sẽ tính phí cụ thể theo đầu người - có nơi lại áp dụng tỉ lệ % theo mức giá món ăn/ đồ uống đó tại quán (nếu có) hoặc niêm yết trên thị trường (đồ bán sẵn)…
+ Mức phí mang đồ ăn vào nhà hàng bao nhiêu là hợp lý?
Không có quy định bắt buộc hay cụ thể nào về mức thu cho phí mang đồ ăn vào nhà hàng. Do đó, cơ sở bạn cần cân nhắc mức phí phù hợp (nếu áp dụng thu) để không khiến khách hàng cảm thấy khó chịu do phí quá cao.
Một số mức phí mang đồ ăn vào nhà hàng được cho là hợp lý như:
- 100.000 - 200.000 đồng/bàn không áp dụng số món và số lượng khách
- 20.000 đồng/khách
- 50.000 đồng/khách người lớn + 20.000 đồng/khách trẻ em
- 10-15% bill tổng
- …
Như vậy, việc tính phí mang đồ ăn vào nhà hàng là không bắt buộc. Tuy nhiên, để không phát sinh tình huống ngoài ý muốn, nhà hàng nên cân nhắc mức phí sẽ thu, ngoài ra thông báo trước cho khách quy định này trước khi áp dụng.