KPI là gì?
KPI (viết tắt của Key Performance Indicator) có nghĩa là chỉ số đánh giá thực hiện công việc. Đây là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân.
KPI là công cụ hỗ trợ các nhà quản lý, lãnh đạo có thể dễ dàng triển khai các chiến lược, kế hoạch và kiểm soát tiến trình thực hiện hiệu quả. Thông thường, quản lý sẽ áp dụng KIP riêng cho mỗi bộ phận và cá nhân dựa theo bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc cụ thể hàng tháng. Tùy theo doanh nghiệp, tổ chức mà KPI sẽ khác nhau và ngay cả mỗi bộ phận cũng sẽ có KPI khác nhau (Kinh doanh, Tiếp thị, Nhân sự…) và ngay cả từng cá nhân trong mỗi bộ phận cũng có KPI khác nhau như Marketing (SEO KPI, Email KPI, Social KPI).
Mục đích của việc sử dụng chỉ số KPI trong đánh giá thực hiện công việc là nhằm đảm bảo cho người lao động thực hiện đúng các trách nhiệm trong bản mô tả công việc được phân chia. Điều này tạo tiền đề cho việc đánh giá thực hiện công việc trở nên minh bạch, rõ ràng, cụ thể, công bằng và hiệu quả hơn bởi vì các chỉ số KPI mang tính định lượng cao và có thể đo lường cụ thể.
Yêu cầu khi áp dụng KPI trong tổ chức
1. Đảm bảo tiêu chí SMART
S – Specific: Cụ thể
M – Measurable: Có thể đo lường được
A – Achievable: Có thể đạt được
R – Relevant: Thực tế
T – Timed: Thời hạn cụ thể
2. Đảm bảo sứ mệnh, tầm nhìn và các chiến lược của tổ chức phải nhất quán
3. Phải kết hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa đo lường và đánh giá, hoạch định và cải tiến hiệu suất
4. Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống quản lý chung.
Quy trình xây dựng KPI cho từng bộ phận khách sạn
- Bước 1: Xác định bộ phận/người xây dựng KPI
Người xây dựng KPI thường là Trưởng bộ phận vì họ là người nắm rõ nhất nhiệm vụ và yêu cầu của từng vị trí, chức danh trong từng bộ phận.
- Bước 2: Xác định các KRAs (Keys Result Area) của bộ phận
Mỗi bộ phận trong tổ chức có những chức năng cụ thể, đặc trưng cho bộ phận nên hệ thống KPI được xây dựng phải thể hiện, gắn liền với đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận đó.
- Bước 3: Xác định vị trí chức danh và các trách nhiệm chính của vị trí, chức danh
Với mỗi vị trí chức danh, người xây dựng KPI cần chỉ ra một số trách nhiệm chính mà người đảm nhận vị trí này phải thực hiện trong bản mô tả công việc. Đây là cơ sở để xây dựng hệ thống chỉ số KPI.
- Bước 4: Xác định các chỉ số KPI (chỉ số đánh giá)
KPI của bộ phận: Dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, người xây dựng hệ thống KPI sẽ xây dựng những chỉ số KPI chung đặc trưng cho cả bộ phận. Những chỉ số KPI này chính là cơ sở để xây dựng KPI của từng vị trí, chức danh.
KPIs cho từng vị trí, chức danh: Xây dựng dựa trên cơ sở những trách nhiệm chính của vị trí, chức danh và các chỉ số KPI của từng bộ phận.
- Bước 5: Xác định mức độ điểm số cho các kết quả đạt được
Thông thường, điểm số được chia thành 2-5 mức độ, tương đương với kết quả hoàn thành công việc. Càng nhiều mức độ điểm số thì việc đánh giá càng khách quan.
- Bước 6: Liên hệ giữa kết quả đánh giá KPI và lương thưởng
Dựa vào khung điểm số xác định, người xây dựng hệ thống KPI sẽ xác định mỗi liên hệ giữa kết quả đánh giá và các mức đãi ngộ cụ thể.
Theo quantrinhahang.edu.vn