Đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn và uống, địa điểm có lẽ là yếu tố quyết định tới 50% sự thành công cho nhà hàng của bạn, thậm chí còn hơn. Bởi vậy, lựa chọn địa điểm kinh doanh nhà hàng phù hợp là yếu tố đầu tiên mà bạn cần dành nhiều thời gian làm cẩn thận trước khi mở quán.
Dưới đây là tổng hợp một số kinh nghiệm khi chọn địa điểm kinh doanh để gia tăng lượng khách. Mời bạn tham khảo nhé!
Trước khi chọn địa điểm mở quán
Khá nhiều lỗi khi khởi nghiệp có thể được sửa chữa về sau, nhưng chọn sai địa điểm đôi khi lại không thể sửa chữa. Bởi vậy, rất cần bạn nên có một bản kế hoạch nghiên cứu thấu đáo trước khi ký hợp đồng chính thức thuê địa điểm mở quán ăn.
Dưới đây là một số yếu tố bạn cần nghiên cứu cân nhắc trước.
1. Xác định khách hàng mục tiêu
Khách hàng là nhân tố quyết định đến doanh số bán hàng của bạn, vì vậy trước khi có ý định tìm một vị trí để kinh doanh, bạn phải xác định được chính xác tập khách hàng mục tiêu của nhà hàng mình. Sau đó, nghiên cứu từ các thông tin về nhân khẩu học cơ bản của tập khách hàng mục tiêu xung quanh nhà hàng như độ tuổi, giới tính, thu nhập, mức chi tiêu, cho tới việc họ sống, làm việc và giải trí ở đâu? Những nơi họ thường hay lui tới? Sở thích và thói quen của họ là gì?
Hãy đảm bảo địa điểm lựa chọn của bạn phù hợp với hình ảnh và phong cách mà nhà hàng bạn theo đuổi.
Ví dụ: Nếu bạn muốn mở một quán cơm trưa cho dân văn phòng thì đương nhiên vị trí tại các quận trung tâm, gần các tòa nhà văn phòng lớn phải được ưu tiên hàng đầu.
2. Cân đối ngân sách dành cho việc thuê địa điểm
Là chủ nhà hàng, bạn cần xác định được số tiền sẽ chi ra cho các chi phí cố định này là bao nhiêu để xác định được vị trí mình sẽ thuê có phù hợp với mức giá đó hay không.
Tiền cũng là yếu tố để bạn quyết định tìm địa điểm tại phố lớn, phố nhỏ hay trong ngõ, hẻm. Khoảng ngân sách này, bạn nên tính toán để đảm bảo việc duy trì thuê địa điểm được tối thiểu 01 năm, bất chấp việc đã có thể thu hồi vốn hay chưa nhé.
Nói tóm lại, mục tiêu là bạn cần tìm được địa điểm kinh doanh ngon – bổ - rẻ. Tuy nhiên, để nói về khái niệm đắt rẻ là rất khó, bởi mỗi người lại có một tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng chung quy lại mức chi trả cho việc thuê mặt bằng phải phù hợp với tình hình tài chính. Chủ đầu tư thông minh là người sẵn sàng chi cả trăm triệu ở nơi có thể đem lại doanh thu cao, chứ không bỏ ra vài triệu để nhận một địa điểm ế ẩm.
Kết thúc giai đoạn này, bạn phải có được hình dung sơ bộ về địa điểm sẽ thuê như diện tích dao động trong khoảng nào, thuộc khu vực nào và mức giá thuê khoảng bao nhiêu?
Xác định chính xác khách hàng mục tiêu của bạn trước khi chọn địa điểm nhé
Kinh nghiệm chọn địa điểm kinh doanh Nhà hàng, quán ăn
1. Tìm kiếm thông tin
Sau bước chuẩn bị ở trên bạn đã có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm đáng kể, nhưng việc cần làm bây giờ là phải tìm được một địa điểm cụ thể. Bạn nên tìm kiếm trước thông tin về các giao dịch bất động sản thông qua báo chí, người môi giới, website,…
2. Sàng lọc địa điểm
Sau đó, chủ kinh doanh nên dành thời gian để “chứng thực” những thông tin tìm hiểu được. Khảo sát các địa điểm đã được sàng lọc để rút ngắn thêm danh sách và nắm thêm các thông tin cụ thể, chi tiết hơn sẽ giúp bạn bớt khó khăn khi ra quyết định. Hãy áp dụng quy luật Pareto: 80% thời gian để tìm hiểu thông tin giao dịch, 20% đi khảo sát trực tiếp.
Bạn có thể tìm được rất nhiều địa điểm thoả mãn tiêu chí của mình. Giờ là thời điểm bạn chọn ra nơi phù hợp nhất để khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng. Bạn nên đưa ra những tiêu chí thật cụ thể để nhanh chóng loại bỏ những vị trí không phù hợp.
Đầu tiên,là tiêu chí về đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn đã vạch ra ở trên.
- Hãy xem xét các yêu tố nhân khẩu học của dân cư khu vực đó: tỷ lệ giới tính, độ tuổi trung bình, thu nhập bình quân, mức chi tiêu,…
- Chắt lọc thông tin khách hàng có được: Bạn cần nắm rõ thông tin về mức độ thường xuyên ăn hàng, mức chi trả cho mỗi lần đi ăn,... Thậm chí có thể cụ thể hơn như nhà hàng họ thường lui tới có phong cách nào, món ăn họ ưa thích,…
Thứ hai,hãy tìm hiểu thông tin về đối thủ.
Bạn nên nhận thức được những đối thủ cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, những món ăn và phong cách của nhà hàng đó, phương thức kinh doanh,…
Thứ ba, tìm hiểu kỹ về ví trí nhà hàng và các điều kiện giao thông trước mặt tiền:
- Phố lớn hay trong ngõ, lưu lượng khách qua đường/phút, đường 1 chiều hay 2 chiều, có ngập lụt khi mưa lớn không,…
- Chỗ đỗ ô tô, xe máy, bảo vệ và các khoản phí trông giữ xe (nếu có)
- Khảo sát hạ tầng cơ sở giao thông, nhà ở, trung tâm thương mại,… trong vòng bán kính 3km xung quanh quán
Thứ tư,đánh giá tính phù hợp của từng địa điểm:
- Đối với chủ nhà hàng: Địa điểm đó trước hết cần thuận tiện với cá nhân bạn, phù hợp với số vốn, hợp mệnh và phong thủy của bạn. Ngoài ra, bạn di chuyển từ nhà đến nơi làm việc có dễ dàng không. Nếu xét theo các yếu tố trên mà không gian đó không thuận tiện thì bạn đã chọn sai địa điểm mở nhà hàng rồi.
- Đối với thực khách: Hãy trả lời câu hỏi “Đặt nhà hàng tại vị trí đó có thuận tiện cho khách hàng của bạn không?”. Thuận tiện ở đây có nhiều cách hiểu như giao thông tiện lợi (đường 1 chiều hay 2 chiều), khu vực đó có an ninh an toàn, chỗ để xe có rộng rãi,...
- Đối với nhân viên: Bạn nghĩ vấn đề này không quan trọng, vì thời điểm ban đầu khi bạn tuyển nhân viên, muốn ở lại làm họ sẽ phải chấp nhận những yêu cầu của bạn. Nhưng, nếu địa điểm kinh doanh không thuận lợi (VD: quá xa nhà họ đang ở) thì bạn khó có thể thu hút và giữ chân các nhân viên tốt.
Sàng lọc địa điểm trước khi đến xem trực tiếp để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại
3. Hãy thương lượng với chủ cho thuê
Đừng ngần ngại khi làm việc này, nếu chủ nhà thực sự có nhu cầu cho thuê, họ sẽ sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng. Còn bạn, chủ đầu tư cần phải chi phí cho rất nhiều khoản, nên tiết kiệm thêm một chút không hề thừa đâu.
Thương lượng là một cuộc kéo co giữa bạn vào người cho thuê. Nếu bạn dồn sức giành chiến thắng ngay từ đầu, bạn sẽ ngã nhào. Chấp nhận sớm mức giá chủ đất đưa ra sẽ làm họ cảm thấy bị “hớ” và có thể ngưng giao dịch đột ngột.
Nguyên tắc tiếp theo dựa trên chiến lược “win – win”. Nghĩa là hãy để đôi bên cùng có lợi, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn và chủ nhà có thứ họ cần. Nếu kết thúc hợp đồng mà chủ nhà không tiếp tục gia hạn thì đối với bạn cũng là sự mất mát do việc kinh doanh nhà hàng đã ổn định, khách đã quen địa điểm và đã có thương hiệu. Khi chủ mặt bằng không được lợi ích thỏa đáng, họ có thể tìm cách phá rối để lấy lại nhà.
4. Ký hợp đồng thuê nhà
Là bước cuối cùng nhưng rất quan trọng. Những gì đạt được sau khi thương lượng đều phải được phản ánh rõ ràng và chi tiết trong hợp đồng.
Hợp đồng bắt buộc cần có đủ các vấn đề sau:
- Giá thuê địa điểm
- Diện tích mặt bằng
- Tiền đặt cọc
- Thời gian thuê địa điểm
- Khoản tăng giá hàng năm
- Ngày bàn giao địa điểm
- Tình trạng địa điểm thuê khi bàn giao
- Thời gian cần báo trước nếu ngừng thuê
- Các thoả thuận đền bù khác nếu có
- Các điều khoản bất khả kháng
Chủ đầu tư nên thoả thuận rõ các chi phí liên quan trong hợp đồng, ghi rõ từng đề mục để tiện theo dõi: chi phí công chứng, chi phí sửa chữa (nếu có), thời gian cho việc sửa chữa,… Đây sẽ là căn cứ để giảm giá thuê địa điểm.
Nếu người cho thuê ngại soạn hợp đồng, bạn hãy giúp đỡ họ làm ngay việc đó. Hoặc nếu chủ đầu tư cũng không am hiểu về pháp lý, hãy nhờ luật sư hoặc những người có kinh nghiệm soạn thảo sẵn mẫu hợp đồng cho bạn.
Nên công chứng hợp đồng. Giai đoạn này công chứng viên sẽ xác nhận giúp bạn xem đó có phải là người chủ thật sự của bất động sản đó không. Nếu có bất kì khúc mắc trong giai đoạn này, hãy nói lại với người cho thuê, yêu cầu họ trình bày những giấy tờ theo yêu cầu để xác thực hợp đồng này. Bởi những rắc rối về thủ tục hành chính có thể sẽ làm cản trở việc kinh doanh nhà hàng của bạn.
Hãy chú ý thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng thuê địa điểm
Trên đây là tổng hợp những kinh nghiệm thực tế khi đi chọn địa điểm kinh doanh nhà hàng, từ bước chuẩn bị cho tới ký hợp đồng thuê chính thức. Hãy sáng suốt ở bước này để chọn được cho mình một địa điểm kinh doanh ưng ý và phát đạt nhất nhé.
Chúc các bạn kinh doanh thành công!