Xin được Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu là một chuyện, các nhà hàng - khách sạn - bar - pub hay quán nhậu vỉa hè nếu không muốn phạm luật để bị xử phạt thì nhất định phải ghi nhớ và tuân thủ nghiêm 5 quy định khi tổ chức kinh doanh rượu, bia hay đồ uống có cồn nói chung.
Bia, rượu giúp tạo ra doanh thu khủng
Không cần phải chế biến hay pha chế rườm rà, mất thời gian, khách hàng đến quán gọi đồ uống có sẵn như bia, rượu, đồ uống có cồn đóng chai sẽ được phục vụ ngay lập tức bởi nhân viên. Nghĩa là, cung cấp sản phẩm có sẵn như thế vừa nhanh chóng, tiện lợi, lại tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan như: số lượng nhân viên thực hiện và tiền công tương ứng; máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ sử dụng để chế biến, pha chế; điện, nước; hao mòn; làm vệ sinh… Do đó, cost ít mà lợi nhiều. Chưa kể, khách còn gọi thêm “đồ nhấm”, món ăn no… cũng tạo thêm doanh thu cho cơ sở.
Những quy định cần nắm khi kinh doanh đồ uống có cồn
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) yêu cầu các chủ quán hay nhà quản lý phải nắm vững và tuân thủ nghiêm các quy định có liên quan khi kinh doanh đồ uống có cồn nói chung để không bị cơ quan chức năng xử phạt.
Sau đây là 5 quy định cụ thể:
+ Không tuyển nhân viên dưới 18 tuổi phục vụ rượu, bia
Khoản 3 Điều 32 quy định DN, NSDLĐ kinh doanh bán lẻ rượu, bia và đồ uống có cồn không được sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh, quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn của cơ sở.
+ Không phục vụ rượu, bia cho khách dưới 18 tuổi
Tương tự, theo Khoản 5 Điều 32 quy định DN, NSDLĐ không được bán hay phục vụ rượu, bia và đồ uống có cồn cho khách chưa đủ 18 tuổi, đồng thời, yêu cầu cơ sở dán biển với nội dung thông báo tương tự tại quầy order hay những nơi dễ nhìn thấy.
Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của khách thì có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh, như: CMND, CCCD hay bằng lái xe…
+ Hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu, bia
Thay vì quy định mức nồng độ cồn tối đa trong máu của người điều khiển phương tiện được phép tham gia giao thông đường bộ mà không bị vi phạm như trước đây, luật sửa đổi tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính với mọi trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia, dù ở mức cực thấp (trừ trường hợp đi bộ hay đo nồng độ cồn cho kết quả bằng 0). Ngoài ra, đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, làm mất an toàn tính mạng và sức khỏe, tài sản của không chỉ bản thân mà còn cả những người khác. Do đó, luật khuyến khích công dân đã uống rượu, bia thì đừng nên lái xe mà hãy đưa lại cho người khác chở, gọi người nhà đến đón về hay bắt taxi, đặt grab để đi…
Đặc biệt, Khoản 6 Điều 32 quy định các cơ sở kinh doanh rượu, bia tiêu dùng tại chỗ cần nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp cho khách hàng về việc không lái xe khi đã uống rượu, bia; đồng thời hỗ trợ khách thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để trở về nhà nếu cần.
+ Không mở quán kinh doanh rượu, bia gần trường học, bệnh viện
Khoản 7 Điều 32 quy định, cá nhân hay tổ chức không được mở mới các điểm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ trong phạm vi bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở y tế.
+ Quy định khắt khe về việc quảng cáo rượu, bia
Luật quy định DN kinh doanh bán lẻ rượu không được tổ chức quảng cáo hay khuyến mãi (như treo băng rôn, mở chương trình mua 1 tặng 1…) đối với các loại rượu từ 150 trở lên. Với rượu dưới 150 thì không được quảng cáo trong các chương trình có trẻ em hay phụ nữ có thai, tránh một số khung giờ phát quảng cáo nhất định…
+ Các quy định liên quan khác
Như: tuân thủ nghiêm quy định về điều kiện kinh doanh rượu, bia; nguồn gốc xuất xứ; thông tin nhãn mác; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bán rượu, bia hay đồ uống có cồn nói chung là không thể thiếu với mọi cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn. Tuy nhiên, để chuyện kinh doanh được thuận lợi và đúng luật, chủ cơ sở hay nhà quản lý cần nghiêm túc tuân thủ những quy định liên quan để tránh bị xử phạt.
Theo Hoteljob.vn