Dịch vụ lưu trú là một trong những lịch vực kinh doanh nhiều tiềm năng và ngày càng thịnh hành. Dịch vụ lưu trú là gì? Các loại hình lưu trú hiện nay bao gồm những loại hình nào? Cùng đi tìm thông tin trong bài viết dưới đây nhé.
1. Dịch vụ lưu trú là gì?
Dịch vụ lưu trú là hoạt động kinh doanh cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn, dài hạn cho những người có nhu cầu. Loại hình này phục vụ cho những khách du lịch, đi công tác ngắn hạn hay nhu cầu dài hạn như sinh viên, người lao động. Hiện nay các cơ sở dịch vụ lưu trú còn kết hợp cung cấp thêm các dịch vụ khác như ăn uống, giải trí,...
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là hoạt động cung cấp các dịch vụ lưu trú cho khách hàng kèm theo các dịch vụ đi kèm nhằm thỏa mãn nhu cầu lưu trú của khách để thu lợi nhuận.
2. Đặc điểm của dịch vụ lưu trú
2.1 Tính vô hình
Đặc thù của loại hình dịch vụ lưu trú là bạn chỉ cảm nhận được khi bạn sử dụng nó. Chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên được đánh giá tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người.
Dịch vụ có tính vô hình nên gây khó khăn cho việc đánh giá chất lượng. Vì vậy khách hàng thường lấy các yếu tố hiện hữu như cơ sở vật chất để đánh giá. Các chủ kinh doanh dịch vụ lưu trú nên tận dụng các yếu tố này để cải thiện và nâng cấp dịch vụ của mình như tiện nghi trong phòng, các dịch vụ khác đi kèm như khu vui chơi giải trí, ăn uống, thuê xe, spa,... để phục vụ khách hàng tốt nhất.
2.2 Tính không đồng nhất
Tính không đồng nhất của dịch vụ được thể hiện ở chất lượng của cùng một loại dịch vụ. Chất lượng dịch vụ tùy thuộc vào tâm lý, trình độ, sở thích và thị hiếu của khách hàng.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cũng không đồng đều ở mỗi khách sạn được thể hiện trong bảng giá của các khách sạn, cách phục vụ của nhân viên, các tiện nghi có trong phòng, các dịch vụ đi kèm, thủ tục đặt - nhận - trả phòng.
2.3 Tính không tách rời
Dịch vụ không có sự tách rời giữa quá trình sản xuất và tiêu dùng cả về không gian và thời gian. Khi khách hàng mua dịch vụ tại cơ sở lưu trú vào thời gian nào thì cơ sở lưu trú đó sẽ cung ứng dịch vụ vào đúng thời gian đó.
2.4 Tính không tồn kho
Đặc điểm của dịch vụ lưu trú là tính vô hình nên chúng không lưu trữ, bảo quản được. Các cơ sở lưu trú theo thời gian sẽ bị hao mòn dù khách hàng có sử dụng dịch vụ hay không. Cũng chính vì vậy mà các cơ sở lưu trú luôn phải bảo quản, tu sửa kể cả khi vắng khách.
3. Các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ lưu trú
Có 5 tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng dịch vụ lưu trú, bao gồm:
- Sự tin cậy: khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng như những thông tin đã đưa ra cho khách một cách tin cậy và chính xác.
- Sự đảm bảo: Tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng, thể hiện sự lịch sự và kính trọng khi giao tiếp với khách.
- Tinh thần trách nhiệm: Sẵn lòng giúp đỡ và quan tâm khách hàng một cách tích cực và nhiệt tình.
- Tính hữu hình: Sự hiện diện của các điều kiện làm việc, trang thiết bị, tiện nghi, con người cũng như các phương tiện hỗ trợ khác.
- Sự đồng cảm: Chăm sóc khách hàng ân cần và chu đáo, cố gắng tìm hiểu và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng để gia tăng trải nghiệm.
4. Các loại hình dịch vụ lưu trú hiện nay
4.1 Hotel (khách sạn)
Hotel (khách sạn) là cơ sở lưu trú du lịch, có quy mô từ 10 phòng ngủ trở lên, sở hữu công trình kiên cố với trang thiết bị và đồ dùng tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Khách sạn được phân cấp từ 1 sao đến 5 sao dựa trên tiêu chuẩn VTOS. Mỗi hotel được chia thành nhiều loại phòng khác nhau như executive, twin, dorm, triple,... để khách hàng thoải mái lựa chọn loại phòng phù hợp với nhu cầu của mình.
Hotel thường được xây dựng tại các trung tâm thành phố, trọng điểm du lịch để đáp ứng các nhu cầu nghỉ dưỡng của khách. Khách sạn có thể có từ vài chục, thậm chí lên đến vài trăm phòng.
4.2 Hostel (nhà nghỉ)
Hostel là nhà nghỉ giá rẻ, thường dành cho dân du lịch bụi. Hostel được thiết kế theo nhiều kiểu phòng khác nhau như phòng có giường tầng, phòng sinh hoạt chung, phòng riêng tư. Loại hình này cực kỳ phổ biến tại châu Âu và đang dần trở lên phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Hostel thường đơn giản, thoáng và cởi mở hơn so với hotel, tiện nghi cũng không được phân cấp rõ rệt như khách sạn.
4.3 Homestay
Homestay là loại hình du lịch xanh, phù hợp với những du khách ưa thích khám phá, trải nghiệm tại các vùng đất mới. Homestay giúp khách du lịch được trải nghiệm chân thực đời sống sinh hoạt, văn hóa của một vùng đất mới.
Khi lựa chọn ở hình thức homestay, khách du lịch sẽ không ở khách sạn hay nhà nghỉ mà sẽ sinh hoạt trực tiếp ở nhà dân để gần gũi và hiểu đời sống của người dân ở đó hơn. Đây cũng là cơ hội để khách du lịch có cơ hội nói chuyện với người dân bản địa, làm chuyến du lịch trở nên thú vị hơn.
4.4 Villa
Villa là loại biệt thự du lịch phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách đồng thời cung cấp trang thiết bị dịch vụ tiện ích tự phục vụ cho khách trong thời gian lưu trú. Villa là mô hình lưu trú được xây dựng trên một khoảng đất có diện tích lớn và cách biệt với xung quanh, sở hữu không gian thông thoáng và gần gũi với thiên nhiên. Các khu có nhiều villa gọi là khu biệt thự du lịch.
Tiêu chuẩn thông thường đối với villa là bao gồm phòng khách, phòng ngủ, hồ bơi và sân vườn riêng. Villa là sự lựa chọn nghỉ dưỡng của nhiều khách hàng vì có không gian riêng tư để tụ họp gia đình, bạn bè.
4.5 Tourist village
Tourist village (làng du lịch) là khu tập hợp các biệt thự hoặc căn hộ, bãi cắm trại,...ở nơi có tài nguyên du lịch hoặc thiên nhiên đặc sắc. Trong làng du lịch, ngoài các cơ sở lưu trú thì còn có nhà hàng, các khu mua sắm, khu vui chơi giải trí.
Đây là một trong những địa điểm du lịch được yêu thích bởi tích hợp nhiều loại hình giải trí, thích hợp với những nhóm đông người, gia đình, công ty vì có không gian rộng. Các làng du lịch thường có nét văn hóa địa phương từ kiến trúc đến ẩm thực.
4.6 Serviced apartment
Serviced apartment (căn hộ dich vụ) là căn hộ đầy đủ nội thất, đáp ứng nhu cầu của người thuê trong thời gian ngắn và dài hạn. Các căn hộ này cũng kèm theo các dịch vụ giống như khách sạn như wifi, dọn dẹp, giặt ủi, hồ bơi, phòng gym,...Ngày nay, càng có nhiều khách du lịch lựa chọn loại hình lưu trú này vì mang đầy đủ tiện ích và hiệu quả về mặt chi phí.
Với những tiện ích đầy đủ thích hợp cho những người khu vực khác đến sinh sống, làm việc hay nghỉ ngơi. Căn hộ dịch vụ thường kèm thêm dịch vụ dọn dẹp nên rất thích hợp với những đối tượng bận rộn với công việc.
5. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là một trong những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi nhiều điều kiện đảm bảo. Chủ kinh doanh cần phải đảm bảo một số yêu cầu như sau:
- Có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú.
- Đảm bảo tối thiểu chất lượng kiến trúc xây dựng, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo mỗi loại hình lưu trú.
- Đối với khách sạn: Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước; có tối thiểu 10 phòng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung; có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường; có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường; có giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm; có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày; quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
- Đối với biệt thự du lịch: Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước; có giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm; có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày; có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh.
- Đối với căn hộ dịch vụ: Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước; có giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm; có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày; có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh; quản lý căn hộ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
- Đối với nhà nghỉ: Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước; có giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm; có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày; có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh chung trong trường hợp không có phòng tắm, vệ sinh riêng; quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
- Đảm bảo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Đội ngũ lao động có chuyên môn phù hợp với từng loại hình lưu trú, đảm bảo cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn đăng ký.
6. Kinh doanh dịch vụ lưu trú mang lại ý nghĩa gì cho xã hội?
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là một trong những loại hình phát triển cùng ngành du lịch. Có thể tận dụng các cơ sở lưu trú thành nơi tuyên truyền và quảng bá văn hóa, con người sở tại.
Kinh doanh dịch vụ lưu trú cần sử dụng một lượng lao động trực tiếp rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ lưu trú. Vì vậy, nó góp phần tạo ra việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho xã hội.
Các khu vực kinh doanh dịch vụ lưu trú phát triển sẽ kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phục vụ cho sự phát triển của lưu trú du lịch.
Quá trình tiêu dùng dịch vụ, hàng hóa dịch vụ mang đến nguồn doanh thu cho người dân bản địa, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Dịch vụ lưu trú bao gồm nhiều loại hình khác nhau phục vụ các nhu cầu của đa dạng đối tượng khách hàng. Với những thông tin mà Sapo chia sẻ trong bài viết này, hy vọng giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các loại hình dịch vụ lưu trú và cân nhắc lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp. Chúc các bạn kinh doanh thành công!