7 nguyên nhân “không tưởng” khiến nhà hàng vắng khách
admin | Đăng lúc 8:51 - 09/12/2022

Đã mở quán kinh doanh nhà hàng thì ai mà chẳng muốn quán của mình lúc nào cũng đông vui tấp nập, khách hàng vào ra như mắc cửi, doanh thu không ngừng tăng. Có rất nhiều nhà hàng, quán ăn đã làm được điều đó, nhưng… chỉ là trong dịp khai trương.

Kế hoạch truyền thông rầm rộ, chi phí khai trương không ít, nhưng sau tuần khai trương “trăng mật” đó, khách bắt đầu thưa thớt dần mà bạn không thể hiểu nổi lý do tại sao?

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến một nhà hàng, quán ăn vắng khách. Đó có thể là: hết thời gian dành cho “kênh người quen”, chọn sai địa điểm kinh doanh, món ăn dở tệ hoặc giá bán không phù hợp với tập khách hàng mục tiêu,…

Nhưng trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp những lý do khiến nhà hàng của bạn vắng khách theo cái cách mà đôi khi bạn “không tưởng tượng” nổi. Mời các bạn theo dõi nhé!

1. Nhân viên “nhìn bẩn bẩn”

Vâng! Không phải thực phẩm bẩn, món ăn bẩn, mà là đội ngũ nhân viên của bạn “nhìn bẩn bẩn”.

“Bẩn” theo nghĩa đen thực sự nhé. Nghĩa là ăn mặc lôi thôi, đầu tóc không gọn gàng, quần áo không sạch sẽ, móng tay móng chân thì để dài loằng ngoằng, cáu bẩn và cứ thế mang đồ ăn lên mời khách, thậm chí còn thường xuyên chạm tay vào phía bên trong của chén bát sạch.

Trong dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhân viên được coi là “bộ mặt” của nhà hàng. Thử nghĩ xem, với một đội ngũ nhân viên như vậy, liệu có khách hàng nào dám quay trở lại lần sau?

Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu khiến quán ăn vắng khách!

2. Đũa bẩn

Không riêng gì ở các nhà hàng, quán ăn, nói thật, đôi khi chính trong các gia đình Việt Nam, nhiều người không có thói quen thay đũa mới. Có những đôi đũa dùng cả… chục năm???

Không hẳn là do họ tiết kiệm. Mà là trong suy nghĩ của họ chưa bao giờ nghĩ đến việc cần phải thay đũa mới!

Nhưng họ lại không biết rằng, cũng giống như bàn chải đánh răng, đũa cũng cần phải có định kỳ thay thế, đặc biệt là đũa tre hay dùng trong bữa ăn của người Việt. Trong gian bếp, “đũa và thớt” là hai thứ khiến vi trùng vi khuẩn dễ dàng sinh sôi nhất.

Vì vậy, hãy chú ý những đôi đũa mang ra phục vụ khách. Nhiều nhà hàng thậm chí còn tiết kiệm đến nỗi dùng cả đũa dùng một lần. Nhìn những ống đũa như vậy, thật sự chẳng còn muốn ăn. Và hệ luỵ khiến nhà hàng vắng khách là điều tất nhiên.

3. Tăm, khăn ướt, giấy ăn bẩn

Sau đũa bẩn, thì thứ khiến khách hàng “dị ứng” tiếp theo chính là những thứ rất “nhỏ nhặt” trên bàn ăn như: tăm, khăn ướt, giấy ăn.

Cứ tưởng tượng khi bạn bước vào một quán ăn, ngồi vào bàn với chiếc khăn ướt có mùi, giấy ăn nhăn nhúm, tăm thì lấm tấm mốc,… bạn có còn cảm thấy muốn ngồi ăn tiếp không?

Đây là một điều tối kỵ trong kinh doanh nhà hàng ăn uống. Chưa cần biết đồ ăn trong quán của bạn có ngon không, nhưng những thứ “vụn vặt” này mà chuẩn bị không chu đáo sẽ khiến thực khách có ấn tượng khá tồi tệ.

4. Trà đá tính phí

Trà đá, nước lọc, máy lạnh (điều hoà), nhạc … nên là các dịch vụ miễn phí đi kèm, không nên tận thu thêm từ các nguồn này, trừ khi bạn kinh doanh trà đá vỉa hè!!!

Hiện nay, đến các quán cơm bụi cũng rất tinh ý trong việc chăm sóc khách hàng, họ chuẩn bị sẵn cả thùng trà đá sạch sẽ ngay tại quán, khi dùng bữa xong, khách hàng có thể thoải mái uống trà đá miễn phí. Hay các quán bún đậu mắm tôm cũng chu đáo chuẩn bị những viên kẹo cao su, sing-gum để khách làm thơm miệng sau khi ăn.

Bởi vậy, việc tính toán chi li từng cốc trà đá khiến rất nhiều khách hàng “dị ứng”. Họ sẽ mang so sánh dịch vụ nhà hàng của bạn với các chỗ ăn khác, và rất có thể kết luận: Đến ly trà đá còn tính toán chi li như vậy, thì chắc giá đồ ăn thức uống ở đó cũng chẳng “dễ chịu” gì.

Đây cũng là nguyên nhân khiến khách hàng “một đi không trở lại".

5. Chỗ để xe vừa bất tiện vừa bị mất phí

Quý khách tự quản lý xe của mình, nếu mất nhà hàng không chịu trách nhiệm” – là một trong số các biển báo mà không ít nhà hàng, quán ăn, quán café “vô tư” treo lên để “nhắc nhở” khách, mà không hề nghĩ rằng nó chính là nguyên nhiên khiến khách hàng e dè khi bước chân vào quán của mình.

Thử đặt mình vào vị trí khách hàng của bạn xem sao, liệu khi đọc thấy câu đó, trong lòng bạn có nghĩ: “Chắc đã từng có mất trộm xe nên nhà hàng mới treo biển như thế”. Hoặc nếu có vào ăn thì cũng ngồi thấp thỏm lo âu không biết có đứa nào ngoài kia nẫng mất con xe của mình chưa?

Quán có thể đẹp, đồ ăn có thể ngon nhưng nếu không có chỗ để xe, hoặc bãi để xe chật chội, không có người phụ dắt xe cũng là một rào cản khi bạn mở nhà hàng. Nhiều khách hàng “chân yếu tay mềm” sẽ phải loay hoay dắt xe, quay đầu, mồ hôi lã chã, quần áo bụi bẩn làm mất hết hình ảnh đẹp của họ với bạn bè, đối tác… Thật là một trải nghiệm tồi tệ, không còn muốn quay lại lần sau.

Thậm chí, nhiều nhà hàng còn tính toán tận thu cả tiền gửi xe của khách. Số tiền không lớn, chỉ 2K, 3K, 5K,… với xe máy, và nhiều hơn với ô tô, nhưng khiến tâm trạng khách hàng thực sự không thoải mái. Cũng giống như máy lạnh, trà đá, phí tiền gửi xe nên tính vào dịch vụ miễn phí của nhà hàng.

Nếu quán của bạn phải đi thuê lại địa điểm trông giữ xe, thì tốt nhất hãy khéo léo tính toán khoản phí đó vào giá bán đồ ăn hoặc phí dịch vụ trong menu chứ không nên thu phí riêng, gây mất thiện cảm, khiến quán ăn vắng khách dần.

6. Bảo vệ có thái độ “lồi lõm”

Bạn có bất ngờ không? Không phải lễ tân, không phải nhân viên phục vụ, mà là bảo vệ nhà hàng – một nhân vật mà nhiều nhà hàng quên mất việc “đào tạo nghiệp vụ”.

Bởi vậy, nhiều quản lý, chủ nhà hàng không thể ngờ rằng nguyên nhân khiến nhà hàng vắng khách lại xuất phát từ chính “ông bảo vệ” tưởng chừng như ngồi “vô công rồi nghề” cả ngày ở trước cửa quán ăn kia.

Khách đến chỉ tay năm ngón cho khách tự đỗ, tự dắt xe,… Khách nhờ lấy hộ xe ra thì thái độ cau có miễn cưỡng, thậm chí còn tặng thêm vài lời “Có thế mà cũng không dắt được à?”… Chỉ một lần gặp bảo vệ như vậy, là nhà hàng bạn đi toi cái lý thuyết “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” rồi đấy.

7. Toilet, nhà vệ sinh cáu bẩn, giấy WC kém chất lượng

Khu vực nhà vệ sinh trong các nhà hàng, quán ăn là khu vực được thực khách dùng rất nhiều trong quá trình ăn uống, sử dụng dịch vụ tại nhà hàng.

Thật tế nhị, nhưng sau khu vực ăn uống, bếp, thì đây chính là khu vực mà khách hàng cần thấy được sự sạch sẽ nhất.

Thuật ngữ thông dụng hàng ngày người Việt Nam chúng ta hay gọi là: nhà vệ sinh, toilet, wc, thậm chí một số nơi còn gọi từ địa phương là “nhà xí”,… Nhưng các bạn có biết “khu vực vệ sinh” trong tiếng Anh là “rest room” – có nghĩa là: phòng nghỉ ngơi, hay khu vực thư giãn. Điều đó để thấy rằng, người nước ngoài rất coi trọng khu vực rest room này.

Giữa chừng bữa ăn, khách đi vệ sinh và bắt gặp một khu vệ sinh tồi tàn, bồn cầu cáu bẩn, hôi hám, chai lọ, rác ngổn ngang,… Thử hỏi quay lại bàn, họ còn có cảm giác ăn ngon được nữa không?

Chưa kể, nhiều nhà hàng còn tiết kiệm sử dụng các loại giấy WC quá kém chất lượng, nhăn nhúm đen bẩn và dễ rách nát… Thật là một ấn tượng tồi tệ, nhất là đối với chị em phụ nữ, vốn rất lo lắng về vấn đề viêm nhiễm phụ khoa.

Vì vậy, trong công tác quản lý nhà hàng, nhất định bạn phải có đầu việc làm sạch khu vực vệ sinh với yêu cầu lịch trình và tần suất làm hợp lý. Đừng để nhà hàng vắng khách vì lỗi dịch vụ không đáng có này.

Trên đây là 7 lỗi không tưởng nhất khiến nhà hàng, quán ăn trở nên vắng khách. Thử rà soát lại xem, quán của bạn có mắc phải lỗi nào trong những lỗi trên không nhé? Nếu có, chúng tôi khuyên bạn hãy thật nghiêm túc nhìn nhận lại chất lượng phục vụ trong nhà hàng của mình. Hãy đánh giá xem, đó có đúng là một trong các nguyên nhân khiến khách hàng của bạn “bỏ chạy” hay không?

 
LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll