Xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của người dân ở vùng Tây Bắc. Ngũ sắc ở đây là tên gọi của 5 màu chủ đạo trong món xôi bao gồm: trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Theo quan niệm của người dân tộc Tây Bắc, hình ảnh xôi ngũ sắc mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng tất cả đều tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.
Ý nghĩa xôi ngũ sắc – Đặc sản vùng Tuyên Quang
Đối với người dân ở vùng cao, ý nghĩa xôi ngũ sắc ngoài việc thể hiện “ngũ hành” còn thể hiện khát vọng yêu thương. Món xôi này thể hiện cho tình yêu son sắt, thủy chung và lòng yêu mẹ, kính cha.
Xôi màu đỏ sẽ tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Đối với người dân tộc phía Bắc, đất đai là một vật quý báu cần được giữ gìn và phát triển.
Xôi màu vàng thì tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh. Thể hiện mong ước cho cuộc sống yên bình, no đủ của người dân. Xôi màu xanh sẽ tượng trưng cho màu của núi rừng Tây Bắc. Màu xanh của cây cối, rừng rậm và nương rẫy.
Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Ngoài ra đó còn là tình thương đối với cha mẹ, lòng kính trọng đấng sinh thành. Cách bày trang trí xôi ngũ sắc tạo hình cánh hoa là để thể hiện tình yêu thương và lòng tôn kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Có thể nói, xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của vùng Tây Bắc mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, đây là món xôi không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng. Đặc biệt, trong đám cưới, đám giỗ cũng không thể thiếu món xôi này.
Cách chế biến xôi ngũ sắc mang đậm hương vị Tây Bắc
Nguyên liệu dùng để làm ra món xôi ngũ sắc bao gồm gạo nếp thơm và các loại lá cây rừng. Công dụng của những lá cây này là để nhuộm màu cho xôi. Thông thường xôi màu đỏ sẽ được làm từ quả gấc. Màu xanh là được lấy từ lá gừng hoặc lá dứa. Màu vàng là từ màu của củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím của xôi lấy từ lá cơm đen hoặc lá của cây cau. Cuối cùng, màu trắng là màu của xôi tự nhiên, không cần thêm bất kì loại lá nào.
Cách làm xôi ngũ sắc cũng khá đơn giản, gần giống với làm món xôi thông thường. Trước khi đem nếp đi nhuộm màu thì phải ngâm gạo nếp trong nước lã từ 6 đến 8 tiếng. Sau đó chia nếp thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần tương ứng với một màu.
Sau khi nhuộm màu thì sẽ đi đến giai đoạn cuối cùng chính là đồ xôi. Khâu này tùy thuộc vào mức độ khéo tay và kinh nghiệm nấu xôi của mỗi người mà sẽ cho ra một món xôi như ý. Một lưu ý quan trọng để làm thành công món xôi ngũ sắc chính là gạo màu nào dễ phai nhất thì phải cho vào đồ đầu tiên, tiếp đến với tới các màu còn lại. Riêng màu trắng là phải đổ trên cùng để không bị thấm màu với những màu xôi còn lại.
Cách bày trang trí xôi ngũ sắc cũng có rất nhiều loại. Có nơi sẽ bày xôi theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh tượng trưng cho một màu. Có nơi khác lại dùng khuôn gỗ đóng xôi thành nhiều tầng, mỗi tầng là một màu xôi. Tùy thuộc vào thói quen bày trí mà bạn có thể bày xôi thành nhiều hình dạng khác nhau.
Xôi ngũ sắc – món ăn đặc sản Tuyên Quang
Mặc dù cách nấu xôi ngũ sắc không khó nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Chính vì vậy mà loại xôi này cũng được ví như sự tinh tế của người phụ nữ Tây Bắc. Xôi muốn thơm ngon phải chọn nếp tốt, nấu từ nước suối tinh khiết và lửa đều. Có như vậy thì xôi mới mềm dẻo, chín đều và mang một hương vị đặc trưng.
Nước suối dùng để nấu xôi phải tinh khiết thì xôi mới thơm. Cũng vì lý do đó mà vùng núi Tuyên Quang được xem là nơi nấu xôi ngũ sắc ngon nhất Tây Bắc. Bởi vì nơi đây có những khe núi với mạch nước ngầm sạch, trong lành.
Xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa đối với người dân vùng cao. Cũng chính vì vậy mà du khách khi đến đây đều mong muốn được thưởng thức món ăn độc đáo này. Nếu như có cơ hội đến với vùng đất Tuyên Quang thì đừng quên thử món xôi này nhé! Hương vị đậm đà, thơm ngậy cùng sự tinh khiết sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Nguồn: Poliva