Xôi đăm đeng một món ăn đặc trưng của người đồng bào dân tộc Tày ở miền núi phía Bắc. Xôi không chỉ là món ăn truyền thống luôn có mặt trong các dịp lễ, cưới. Đây còn là biểu tượng cho sự khéo léo của người phụ nữ Tày thể hiện qua màu sắc sặc sỡ của món xôi.
Xôi đăm đeng rực rỡ màu sắc thể hiện sự tinh túy của núi rừng
Đăm đeng trong tiếng Tày có nghĩa là hai màu đỏ đen. Món xôi này độc đáo ở chỗ được nấu từ gạo nếp nương và màu sắc của xôi không dùng phẩm màu. Những màu sắc ở món xôi đều được lấy từ hương sắc của cỏ cây nơi núi rừng. Không chỉ bắt giúp món xôi băt mắt hơn mà còn mang đến hương vị thơm ngọt tự nhiên.
Người Tày và người Nùng ở Bắc Kạn quan niệm rằng xôi đăm đeng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Thanh Minh. Bên cạnh đó, các dịp lễ tảo mộ, lễ cưới cũng không thể thiếu món ăn này. Nhìn mâm xôi người ta có thể đánh giá được sự tảo tần và khéo léo của người phụ nữ Tày.
Mặc dù đăm đeng có nghĩa là xôi đỏ đen nhưng ngày nay món xôi này đã được chế biến thành rất nhiều màu sắc. Một mâm xôi thường có nhiều màu như đỏ, xanh, đem, vàng, tím và trắng. Mỗi một màu sẽ được lấy từ những loại hoa hay loại lá rừng khác nhau.
Xôi được nấu từ gạo nếp cái, tuy nhiên gạo nếp ở đây phải được lấy từ những bó thóc đã treo trên gác bếp nhiều tháng. Bà con ở đây thường để nguyên bông lúa nếp treo lên gác bếp. Khi nấu thì mới đem thóc đi tách vỏ trấu để lấy gạo. Như vậy gạo mới giữ được mùi thơm và hương vị tự nhiên đặc trưng nơi núi rừng.
Hương vị độc đáo của xôi đăm đeng không thể lẫn đâu được
Để có được màu sắc tự nhiên cho món xôi những người phụ nữ sẽ ra chợ mua về những bó hoa rừng thơm ngát. Muốn xôi có màu gì thì sẽ lấy hoa màu tương ứng. Sau đó đem hoa về treo lên gác bếp để hoa khô lại. Đến sát ngày nấu xôi sẽ đem xuống rửa sạch rồi đun kỹ để lấy nước. Dùng thứ nước đó để ngâm gạo nếp sẽ giúp xôi có màu của hoa cùng mùi thơm dễ chịu.
Ngoài ra người Tày cũng dùng những thứ lá rừng khác để nhuộm xôi cho ra màu sắc đa dạng hơn. Những thứ lá nhuộm xôi có thể mua được ở chợ phiên hoặc tự lên rừng để hái. Một số lá phổ biến hay dùng như lá cẩm, lá cây sau sau, củ nghệ và quả gấc. Lá cẩm sẽ cho ra xôi màu tím đen, củ nghệ nhuộm vàng và quả gấc cho màu cam đỏ.
Khi đã đủ thời gian chín, xôi đăm đeng sẽ tỏa ra mùi hương thơm lừng bay đi khắp xóm làng. Người dân Bắc Kạn thường sẽ đổ xôi vừa chín trên mẹt có lá chuối xanh. Sau đó trộn đều các màu xôi lại tạo nên một món xôi nhiều màu sắc. Người phụ nữ Tày khéo léo sẽ làm được món xôi có đầy đủ màu sắc. Và những màu xôi hòa quyện với nhau thật tinh tế, đẹp mắt.
Thưởng thức xôi đăm đeng cùng món vịt quay xứ Bắc Kạn
Đăm đeng có mùi thơm rất đặc trưng, không hề lẫn lộn với bất kỳ loại xôi nào khác. Thưởng thức món xôi này bạn sẽ cảm nhận được hương vị của hoa rừng, lá rừng. Mùi thơm của nếp và hoa cỏ. Sự mềm dẻo của nếp ngon và đặc biệt là màu sắc vô cùng bắt mắt.
Người Tày thường ăn xôi với muối lạc giã nhỏ. Lạc rang thơm sẽ giã nhỏ, trộn thêm đường, muối là thành một món ăn cùng xôi rất ngon. Miếng xôi thơm dẻo kết hợp cùng lạc béo tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, xôi đăm đeng ăn cùng vịt quay Bắc Kạn vẫn là hấp dẫn nhất. Món vịt quay được ướp hành, tỏi, nấm hương, móc mật và các gia vị đặc trưng khác của xứ Bắc Kạn. Xôi ăn cùng vịt quay sẽ toát lên hương thơm nồng nàn, vị ngọt thanh thoát. Đây là một cặp món ăn rất phổ biến trong các dịp lễ tết ở vùng Tây Bắc.
Bắc Kạn không chỉ có quang cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, con người hiếu khách mà còn sở hữu nét văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo. Món xôi đăm đeng sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm thú vị. Giúp bạn hiểu hơn về nét văn hóa của người dân tộc Tày vùng Tây Bắc.
Theo Poliva.vn