Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) tồn tại hàng trăm năm qua. Nổi tiếng nhất ở làng nghề này là bún song thằn vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao - thời xưa thường mang tiến vua.
Về An Thái ăn bún song thằn "tiến vua"
Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái (ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) tồn tại hàng trăm năm qua. Nổi tiếng nhất ở làng nghề này là bún song thằn vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao.
Cổng vào làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái. Làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái nằm bên bờ sông Kôn
Xưa kia, An Thái là thủ phủ của huyện Tuy Viễn xưa, người Minh Hương (Trung Quốc) cư ngụ và kinh doanh sản xuất, thương mại đông đúc. Đây là một vùng thị tứ sầm uất, trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa từ Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) xuống và từ các tỉnh khác qua đầm Thị Nại lên.
Chạy dọc An Thái là sông Kôn có bãi cát vàng rộng, nước sông trong ngần là điều kiện rất tốt cho nghề làm bánh tráng, bún phát triển. Trước đây, khi xưa chưa có giếng khơi, người sản xuất dùng nước sông để làm tinh bột và làm bún, thời đó nước sông rất sạch.
Hiện nay, làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái có khoảng 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất và cung cấp đa dạng các sản phẩm bánh, bún như: bánh tráng các loại, bún song thằn, bún gạo, bún mì vàng, bún phở… Sản phẩm bánh, bún An Thái không chỉ phục vụ người tiêu dùng ở tỉnh Bình Định, mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Để có thể cho ra các sản phẩm bánh, bún thơm ngon thì bắt đầu từ tờ mờ sáng, các thợ làm bánh, bún đã nhóm lửa, xay bột, đúc khuôn bánh, bún cho ra những sợi bún gạo, mì trắng mượt mà, những chiếc bánh tráng dài như miếng dải lụa mềm mại, rồi đưa lên vỉ tre phơi nắng trên bãi cát vàng nằm bên bờ sông Kôn.
Theo người dân địa phương, trước đây người làm bánh, bún hoàn toàn bằng thủ công nên hiệu quả thấp. Tuy nhiên, hiện nay đa số các hộ dân đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
"Tôi theo nghề làm bún đã hơn 55 năm. Trước đây, các công đoạn sản xuất chủ yếu làm bằng tay, còn bây giờ được máy móc hỗ trợ nhiều khâu nên đỡ nhiều. Giờ chỉ nhào bột, rê bột vào nước sôi, vớt trải ra vỉ phơi là còn làm thủ công. Đỡ tốn sức mà năng suất, thu nhập cũng tăng lên đáng kể", bà Tạ Thị Đắt (75 tuổi, chủ cơ sở bún Hưng Đắt - Lý Thị Hương), cho biết.
Nổi tiếng nhất ở làng nghề này là bún song thằn vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Người dân An Thái bảo rằng, khi làm bún, người thợ thường bắt dây bún từng đôi một nên họ gọi là bún song thằn. Và đây là loại bún thượng hạng, rất bổ dưỡng nên thời phong kiến, các quan lại địa phương đều mang bún tiến lên vua nên còn được gọi là bún "tiến vua".
Nổi tiếng nhất ở làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái là bún song thằn. Bún song thằn có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao
Theo ông Hồ Văn Rạng (59 tuổi, chủ cơ sở bún Ngọc Trâm), cứ 10kg hạt đậu xanh sẽ cho ra 3kg bột, sau đó sẽ làm ra được 2,5kg bún song thằn. Trời nắng, bình quân mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được hơn 1 tạ bún. Hiện bún song thằn được bán sỉ với giá 200.000 đồng/kg.
Do được làm từ đậu xanh nên sợi bún song thằn dai, không bị dính và nhão khi chế biến, lúc nhai vẫn cảm nhận được cái sừng sực lạ miệng. Dù là xào hay nấu nước, vị ngon độc đáo, bổ dưỡng của bún sẽ khiến thực khách không thể dừng đũa cho đến sợi bún cuối cùng.
An Thái được biết đến là một đô thị sầm uất cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Xưa kia, nghề thủ công ở đây rất phát triển như: rèn, đúc kim loại, mộc, giấy, bún, bánh, dệt lụa, nhuộm. Hiện nay chỉ còn lại làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái là được duy trì và phát triển. Ngoài ra, An Thái còn là cái nôi của võ cổ truyền Bình Định, nổi tiếng từ xưa gắn liền với các câu ca dao như: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" hay "Trai An Thái, gái An Vinh".
Theo Kenh14.vn