Đặc sản ếch nướng que tre của An Giang gây ấn tượng với thực khách ngay lần đầu thưởng thức, bởi vị vừa quen vừa lạ của sốt chấm me non.
An Giang khiến nhiều du khách ấn tượng với sự giao thoa kết hợp giữa văn hóa ẩm thực của người Kinh và đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tạo nên một nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Nhiều món ăn đã trở thành đặc sản nổi tiếng như cơm tấm Long Xuyên, tung lò mò, đu đủ đâm, bánh bò thốt nốt và đặc biệt là ếch nướng kẹp tre.
Nhiều hàng ếch nướng dọc trên các con đường tại Tri Tôn thu hút du khách bởi hương thơm khó cưỡng cùng sự bắt mắt của những xiên ếch nướng nguyên con mập ú. Xiên ếch nướng có kích thước khá to khiến nhiều người nhầm lẫn đó là kích thước thật của ếch.
Thực chất phần phình ra khiến nhiều người nhìn nhầm là đùi ếch chính là bụng ếch đã được bồi thêm bằng một lớp thịt ếch trộn với thịt ba rọi heo băm nhuyễn. Người bán băm cả xương ếch nên khi thưởng thức sẽ cảm nhận được độ dai, giòn và béo ngậy của món ăn.
Từng xiên ếch nướng được ướp với sả, nghệ cùng nhiều gia vị khác trong một thời gian dài rồi đem nướng trên bếp than. Khi nướng, các gia vị hòa vào nhau dậy mùi thơm hấp dẫn. Người bán sẽ liên tục quết thêm nước ướp được chuẩn bị sẵn để ếch không bị cháy và giữ được độ ẩm của thịt ếch.
Điểm đặc biệt nhất của món ăn này chính là phần sốt chấm ăn kèm được làm từ me non dầm gừng và tỏi. Sự kết hợp hài hòa giữa các gia vị trong phần sốt chấm khiến cho người thưởng thức không thể cưỡng lại được hương vị độc đáo của món ăn. Chút chua nhẹ từ me non, thơm lừng của gừng và tỏi cùng độ mặn, ngọt đậm đà của xiên ếch quyện vào nhau tạo nên một hương vị khó quên.
Ếch nướng kiểu Campuchia thường được bán nhiều vào mùa mưa và bán mang đi là chủ yếu nên người bán chỉ chuẩn bị một xe đẩy sơ sài, thường không có bàn ghế cho khách ngồi lại ăn. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể mượn nhờ bàn ghế để thưởng thức ngay món ăn này khi mới ra lò để cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ếch nướng đặc biệt này.