Thưởng thức món bánh cooc mò đặc sản độc đáo của người Tày
admin | Đăng lúc 14:08 - 22/02/2022

Bánh cooc mò là một cái tên khá lạ lẫm với những người ở thành thị. Tuy nhiên đây lại là loại bánh đặc trưng của người Tày. Tên bánh dịch ra có nghĩa là sừng bò bởi vì bánh có hình dáng chóp nhọn giống với chiếc sừng của con bò. Loại bánh này được trẻ con vùng cao rất yêu thích và thường xuất hiện trong những dịp đặc biệt.

 

bánh cooc mò
Bánh có hình giống với chiếc sừng trâu nên được đặt tên là cooc mò

Bánh cooc mò – Đặc sản của người Tày xứ Bắc Kạn

Nếu có dịp lên vùng đất Bắc Kạn thì đừng quên thưởng thức món bánh sừng bò này nhé. Cái tên bánh nghe có vẻ lạ nhưng một lần ăn thử chắc chắn bạn sẽ nhớ cả đời. Hương vị đậm đà của bánh, dẻo thơm của nếp quả thực làm nên một món ăn thú vị.

Người dân tộc Tày từ xưa đã nổi tiếng với ẩm thực phong phú. Những món ăn của họ đều vô cùng độc đáo và mang bản sắc riêng. Dù bạn có làm đúng với cách làm của họ nhưng hương vị vẫn không thể nào giống 100% được. Nhiều du khách bông đùa rằng món ăn của vùng cao dễ “gây nghiện”.

bánh cooc mò
Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà bánh có thể không nhân hoặc có nhân

Quả thật là như vậy, món bánh cooc mò tuy đơn giản, nhỏ xinh nhưng lại có sức hút vô cùng lớn. Thử 1 lần lại muốn thử lần 2 rồi muốn ăn mãi mãi.

Là một món đặc sản đã có từ lâu đời, loại bánh này đã theo chân người Tày đến nhiều nơi ở vùng Tây Bắc. Mỗi nơi nó đi qua đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ và trở thành nét ẩm thực đặc trưng. Hương vị độc đáo khiến bánh có sức quyến rũ mãnh liệt với du khách. Bên cạnh đó, hình dáng thú vị cũng khiến người nhìn không thể quên được hình ảnh đặc biệt của nó.

Cách người Tày làm ra món bánh bánh cooc mò

Chiếc bánh có hình sừng bò này được làm từ gạo nếp và gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Gạo nếp để làm bánh là loại gạo ngon nhất được trồng ở vùng núi cao. Do đó, nếp vừa thơm ngon vừa sạch và có hương vị của núi rừng tự nhiên. Nguyên liệu tốt đã tạo nên một chiếc bánh cooc mò rất thơm ngon, ngọt thanh vị tự nhiên ăn mãi không thấy ngán.

Ngoài nguyên liệu thì việc bánh ngon hay dở là phụ thuộc vào cách buộc lạt. Buộc lỏng tay thì bánh sẽ hút nhiều nước mà nhão nhoét. Buộc chặt quá thì nếp không nở được và bánh sần sùi mất đi độ dẻo. Chính vì vậy mà công đoạn làm bánh đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ. Chỉ những người có kinh nghiệm làm bánh lâu năm như người Tày mới cho ra một món bánh thơm ngon đúng chuẩn.

Chiếc bánh nhân đậu đỏ vô cùng hấp dẫn của người Tày
Chiếc bánh nhân đậu đỏ vô cùng hấp dẫn của người Tày

Luộc bánh cooc mò cũng giống như luộc bánh chưng. Người ta xâu bánh thành chùm rồi cho vào nồi, đổ ngập nước rồi đun trên bếp củi lửa to trong vòng 2 tiếng. Chiếc bánh ngon là khi bóc ra, bánh sẽ có màu xanh của lá tựa như bánh chưng. Nếp vừa rắn lại vừa dẻo dậy mùi hương thơm nức pha lẫn chút thanh khiết của miền núi cao. Cắn một miếng sẽ cảm nhận được độ dẻo mềm và vị ngon ngọt tự nhiên của bánh. Bánh sẽ ngọt trong miệng cho đến tận khi ăn xong, vị ngọt thanh sẽ không gây ngán cho người ăn.

Ý nghĩa món bánh bánh cooc mò đối với người dân vùng Tây Bắc

Bánh cooc mò không to lắm, nhỏ gọn nhưng bắt mắt nên được trẻ em vùng cao rất thích. Một phần vì đây là loại bánh đặc sản thơm ngon, một phần vì điều kiện sống không tiện nghi như trẻ em nơi thành thị. Chính vì vậy mà món bánh này đã trở thành một phần tuổi thơ của những đứa trẻ tại đây.

Ở Tây Bắc, bánh được bán quanh năm tại các dịp chợ phiên của vùng cao. Các bà, các mẹ đi chợ về sẽ mua bánh để làm quà cho những đứa nhỏ ở nhà. Đặc biệt là sau mỗi mùa thu hoạch, người Tày sẽ làm loại bánh này để mừng mùa lúa mới. Bên cạnh đó là khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan đã phụ giúp gia đình.

Lớp vỏ được gói bằng lá chuối hoặc lá dong để lấy màu xanh tự nhiên
Lớp vỏ được gói bằng lá chuối hoặc lá dong để lấy màu xanh tự nhiên

Theo truyền thống của dân tộc Tày, trong ngày đầy tháng hay thôi nôi của trẻ con gia đình sẽ làm bánh cooc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt vào tay trẻ nhỏ cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe và ngoan ngoãn. Không ai có thể nghĩ rằng một loại bánh mộc mạc, dân dã ấy lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa đến vậy. Bánh vừa là biểu tượng cho ước nguyện mùa vụ bội thu vừa là món quà cho tình thương gia đình.

Bánh cooc mò rất phổ biến ở các phiên chợ vùng cao đặc biệt là mảnh đất Bắc Kạn. Chính vì vậy du khách đến đây có thể ghé chợ phiên để mua bánh. Chỉ có tự mình thưởng thức mới cảm nhận được sự đặc biệt và hấp dẫn của loại bánh này.

 

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll