Bến Tre hay còn được nhiều du khách biết đến với tên gọi “xứ sở ba cù lao”. Bến Tre như một hòn đảo tươi mát giữa sông nước Cửu Long và nó có sức hút tuyệt diệu đối với những ai ưa thích du lịch miền đất của thiên nhiên tươi mát. Không chỉ vậy, Bến Tre còn thu hút du khách bởi những món ăn dân dã đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Cùng Mytour ghé qua những hàng quán để thưởng thức hương vị đậm đà của vùng đất Bến Tre này nhé!
GỎI CỦ HŨ DỪA
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến xứ dừa bạt ngàn, nơi đã chế biến ra nhiều đặc sản khác nhau từ dừa. Nhắc đến dừa Bến Tre, chắc hẳn bạn không thể không nhắc đến món gỏi củ hũ dừa tuyệt ngon. Gỏi củ hũ dừa được xem là món ăn “ít” dân dã hơn so với những món ăn khác chính bởi cách chế biến của nó.
Gỏi củ hũ dừa chưa bao giờ hết làm say mê thực khách- Ảnh: Sưu tầm
Củ hũ dừa là phần trên của cây dừa, nằm sâu trong thân, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài và cuống lá. Vì vậy để lấy củ hũ phải chặt cả cây dừa. Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, mát, giòn, thơm và lại thanh đạm, ít béo. Ngoài ra, nguyên liệu để làm món gỏi còn có tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tai lợn thái mỏng, rau răm, hành tây và lạc rang giòn.
Củ hũ dừa ngọt, mát dịu tạo nên hương vị tươi mới cho món gỏi- Ảnh: Sưu tầm
Gỏi củ hũ dừa thường được người Bến Tre chế biến để chào đón khách quý. Gỏi củ hũ dừa thực sự đã trở thành một “bức tranh ẩm thực” đầy sắc màu, đó là màu trắng tinh khôi của củ hũ dừa, màu ngả nâu của thịt, màu đỏ cam của tôm và xanh mát của rau răm. Đây sẽ là một món ăn mà bạn nên thử qua đấy!
CHUỐI ĐẬP
Chuối đập kết hợp với nước cốt dừa là món ăn ngon - bổ - rẻ của Bến Tre mà du khách nên một lần cảm nhận. Chuối - dừa được xem là một “cặp đôi hoàn hảo” đã tạo nên món ăn mang đậm đà hương vị dân dã của miền Tây.
Chuối đập mang hương vị dân dã của Bến Tre- Ảnh: Sưu tầm
Chuối chuẩn bị cho thực hiện món này phải là chuối xiêm vừa chín tới, ngon nhất là chuối xiêm đen..Trên bếp than hồng, chuối được lột vỏ, chẻ đôi, nướng, trở qua, lại cho vừa chín mặt. Chuối vừa chín tới, đập nhẹ cho mỏng ra, tiếp tục nướng nóng, đến khi hương thơm chín vàng của chuối đã thoang thoảng. Để có được nước cốt dừa sánh mịn, thơm béo thì dừa khô vắt lấy nước cốt, cho lên bếp nấu chín, pha ít bột vào cho bớt loãng, sôi nhẹ có thể cho ít muối, đường để vị nước cốt đậm đà hơn.
Chuối đập dùng kèm với nước cốt dừa béo béo, sánh mịn - Ảnh: Sưu tầm
Chuối đập dùng chung nước cốt dừa, vừa thơm, béo, vừa mặn mà lại ngọt ngào khiến cho thực khách thử một lần lại muốn thử thêm một lần nữa, người con Bến Tre khi đi xa lại mãi nhớ về chuối đập. Gánh chuối đập bên bờ hồ Trúc Giang, trước cổng bệnh viện Thị Xã, Bến Tre cũng sẽ là một lựa chọn hoàn hảo đấy!
BÌ CUỐN
Miền Tây là xứ của các món cuốn và bì cuốn cũng là một món ăn tuyệt ngon nằm trong số đó. Ngoài những thành phần vốn có của món cuốn như rau, bún, thì bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng “bì” – hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ. Và điều đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị thơm ngon của bì cuốn là thính.
Món bì cuốn vừa bắt mắt lại ngon miệng- Ảnh: Bố Su Su
Thịt heo được tách thành phần thịt và phần da. Phần thịt đem rán chín vàng, sau đó để nguội rồi cắt sợi để trộn cùng phần da đã cắt sợi mỏng và trộn cùng với thính trước đó. Hỗn hợp sẽ được cuộn chặt trong bánh tráng sao cho đẹp mắt. Bạn cũng có thể ăn kèm món bì cuốn với các loại rau, cà rốt, dưa thái nhỏ. Vị ngọt ngọt của thích, kết hợp với vị dai dai của bì sẽ tạo nên một món cuốn mà bạn không thể nào quên!
Bì dòn dai tạo nên nét đặc trưng cho bì cuốn- Ảnh: Sưu tầm
BÁNH CANH BỘT XẮT
Bánh canh trong nền ẩm thực Việt Nam là một món ăn mang những đặc điểm khác nhau tùy vào vùng miền. Người miền Tây cũng có bánh canh, trong đó nổi danh nhất là bánh canh thịt vịt bột xắt béo ngậy của người dân xứ dừa Bến Tre.
Tô bánh canh mặn mà hấp dẫn du khách- Ảnh: Sưu tầm
Sở dĩ gọi là bánh canh bột xắt vì khi nấu, người ta phải xắt bột bằng tay, theo kiểu thủ công nhất. Để có bột làm bánh, người ta ngâm gạo cho mềm (gạo không quá dẻo), đem xay bột nước rồi cho vào túi vải dần ráo nước, đến khi chỉ còn bột tinh, dẻo mịn vừa phải. Hương vị thơm ngon và béo ngậy của bánh canh còn ở thịt vịt, phải lựa chọn vịt nuôi nhà, cho ăn lúa thì hương vị của bánh canh mới đậm đà.
Thịt vịt béo ngọt kết hợp với sợi bánh canh mềm dẻo- Ảnh: Sưu tầm
Người Bến Tre thường thưởng thức món bánh canh bột xắt ở các hàng quán vỉa hè hơn là các nhà hàng sang trọng vì điều này sẽ càng tạo nên sự dân dã cho món đặc sản này. Bạn có thể thưởng thức món bánh canh bột xắt dưới chân cầu Cá Lóc, phường 8, Bến Tre cũng khá ngon đấy!
CHÁO CUA ĐỒNG
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có những cánh đồng bao la, những thửa ruộng là nơi cư trú của “sản vật” cua đồng để chế biến những món ăn thơm ngon, dịu ngọt, trong đó phải kể đến món cháo cua đồng. Món cháo cua đồng không chỉ quyến rũ vị giác của bạn bởi vị ngon mộc mạc và dân dã của món cua đồng mà nó còn là món ăn vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe của bạn.
Lẩu cháo cua đồng là thức quà của thiên nhiên Bến Tre- Ảnh: Sưu tầm
Món cháo cua đồng tạo nên hương vị sông nước dân dã miền tay thu hút thực khách bốn phương. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt. Nồi cháo gạo ngon nấu mềm cùng với đậu xanh. Sau cùng cho lớp gạch cua phi với hành thơm nức lên làm mặt. Thưởng thức lẩu cháo cua đồng với 5 thứ rau đồng quê: rau ngót, rau má, rau mồng tơi, rau đay, cải xanh và mướp hương.
Hay món bàn lẩu cua đồng ăn kèm thịt và tôm- Ảnh: Sưu tầm
Ngoài tiêu và ớt, món cháo cua đồng đậm đà là nhờ có nước mắm rươi mặn mà. Du khách có thể thưởng món cháo cua đồng trên đường tránh quốc lộ 60, thành phố Bến Tre với giá khoảng 40.000 đồng/lẩu cháo.
Đến với miền Tây sông nước, đến với xứ dừa Bến Tre mà không thử qua những món ăn dân dã, đậm màu thiên nhiên này thì bạn sẽ như mất đi một phần quan trọng trong chuyến du lịch Bến Tre đấy! Hãy thử đi đến và tận hưởng những món ăn đặc sản ngon tuyệt của vùng đất ba cù lao này nhé!
Nguồn: My tour