Nếu như ở miền Bắc, người ta giải khát bằng những món như nước dừa, miền Nam với ly nước mía to bự, thì tới miền Tây, dọc khắp các con đường là những quán hàng thốt nốt đá lạnh.
Thốt nốt - loài cây gắn liền với bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Nam Chấy
Cây thốt nốt thuộc loại họ cau, sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea... Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Quả thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, có mùi thơm rất lạ và cũng là một món ăn chơi, giải khát rất bổ được nhiều người ưa thích.
Cây thốt nốt cho những chùm quả lớn - Ảnh: wikimedia
Cơm thốt nốt màu trắng trong thơm dẻo - Ảnh: nongthuong
Cơm thốt nốt còn nguyên vỏ lụa - Ảnh: sangtaokhoinghiep
Tên gọi “thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th’not”. Dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt lốt riết thành quen. Cây thốt nốt gắn chặt với đời sống người Khmer như cây dừa với người Kinh vậy.. Tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, từ thân tới lá, quả.
Thốt nốt là món đồ uống quen thuộc của bà con nơi đây - Ảnh: Nam Chấy
Lá thốt nốt được dùng để lợp nhà, làm chất đốt, cây già làm cột nhà, làm bàn ghế… Riêng trái thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng du khách với những món ăn dân dã như: cơm (cùi) thốt nốt, nước thốt nốt tươi (hoặc lên men), đường tán, chè thốt nốt, bánh gói thốt nốt, bánh bò thốt nốt…
Cây thốt nốt có rất nhiều công dụng - Ảnh: Nam Chấy
Món bành bò thốt nốt luôn hớp hồn du khách tới miền Tây - Ảnh: cungbandulich
Mỗi thức quà được làm từ thốt nốt lại cho người ta cảm giác thơm ngon lạ thường. Ly nước thốt nốt mà người dân phải cất công đặt những ống nứa từ đêm tới sáng mai mới cho ra được thứ dịch thơm nồng, dùng chung với cơm trái thốt nốt và đá lạnh sẽ cho ra 1 hương vị thơm ngon lạ lùng rất riêng. Thiếu thứ nước ấy, cơm thốt nốt sẽ chẳng có mùi vị gì nữa bởi nó nhạt vô cùng. Nước thốt nốt đã hòa nhập vào cơm thốt nốt biến nó thành 1 thứ mềm dai và ngọt không thể tả. Nước thơm một hương vị rất riêng, mát lạnh và tinh khiết, vị ngọt thanh hơn nước dừa lửa, thơm như mùi hoa rừng dại, cơm giòn mềm dai như cơm dừa nước lại ngon hơn cả thạch.
Cảnh đi đặt ống lấy nước thốt nốt lúc chiều tà - Ảnh: tinhte
Ly nước thốt nốt cũng vì thế mà thêm phần thơm ngon - Ảnh: news.zing
Khách đi du lịch miền Tây sẽ dễ dàng bắt gặp những chỗ mà rặng thốt nốt nối nhau, có chỗ chỉ dăm ba cây điểm xuyết, xa xa là những thửa ruộng cò bay thẳng cánh, những mái nhà đơn sơ nhấp nhô và kênh rạch uốn lượn. Chiều tà, khi những cánh chim trời bây về nơi trú ngụ, bóng nắng xa dần và mặt trời từ từ khuất sau dãy núi, khung cảnh làng quê nhuốm một màu ửng đỏ, rặng thốt nốt khi ấy như ngang tầm với mặt trời, bóng dáng thân thuộc ẩn hiện trong bức tranh yên bình của làng quê Việt Nam.
Những rặng thốt nốt nối tiếp nhau - Ảnh: Nam Chấy
Quả thốt nốt trở thành một món ăn lạ miệng thú vị của người thành phố. Tuy nhiên, người ta vẫn biết đến cây thốt nốt nhiều hơn cả bởi một loại sản phẩm nổi tiếng mang giá trị kinh tế cao: đường thốt nốt. Đường thốt nốt được nấu từ nước của cây thốt nốt. Công đoạn làm đường khá công phu và nhiều vất vả, phải cẩn trọng từng khâu để cho ra loại đường thốt nốt hảo hạng nhất.
Chế biến đường thốt nốt kiểu thủ công - Ảnh: Ngọc Viên Nguyễn
Ở miền Bắc, người ta khá quen thuộc với việc sản xuất đường từ cây mía, thì ở đây, những viên đường thốt nốt vàng ươm lại là món quà không thể thiếu khi đến với miền Tây. Đặc biệt, ngoài vị ngọt thanh nhẹ, đường thốt nốt còn mang đến cho người thưởng thức vị béo, khi ăn rất dễ gây “nghiền”.
Đường thốt nốt, món ăn dễ gây “nghiền” - Ảnh: Xóm nhiếp ảnh
Thốt nốt được trồng nhiều nhất và nổi tiếng nhất có lẽ là ở An Giang. Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang là một địa danh khá nổi tiếng với nghề làm đường thốt nốt. Chính từ đây, hình ảnh những viên đường thốt nốt thơm bùi đã trở thành biểu tượng quảng bá cho loài cây gắn liền với đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về miền Châu Đốc An Giang - Ảnh: Nam Chấy
Du khách phương xa mỗi lần ghé miền Tây, đều không quên mang về những gói đường thốt nốt vàng hườm được đóng gói cẩn thận hay vài chai nước thốt nốt về làm quà. Dùng đường thốt nốt nấu chè, làm bánh, làm gia vị nêm nếm cho món ăn hay nước chấm, người ta cũng sẽ cảm nhận được hương vị miền Tây phảng phất, thay cho nỗi nhớ hiện hữu trong tâm trí về cảnh vật yên bình, thứ nước thốt nốt mát lành tươi ngon hái tận vườn.
Những món quà mà du khách không quên đem về khi tới miền Tây - Ảnh: cungbandulich
Góp phần làm phong phú thêm cẩm nang gia vị chế biến các món ăn của người Việt, đường thốt nốt của người Khmer đang ngày càng quen thuộc hơn. Vị ngọt dịu, thanh mát của đường thốt nốt còn như một “gia vị tâm hồn”, đem lại cho người ta cảm giác ngọt ngào, sảng khoái trong cuộc sống mỗi khi thưởng thức những món ăn có hương vị đặc biệt.
Món chè thốt nốt sữa tươi thơm ngon với hoa quả - Ảnh: diadiemanuong
Nhớ về miền Tây, ấn tượng khó quên trong lòng du khách là hình ảnh những hàng cây thốt nốt vút cao với những người nhanh nhẹn trèo lên đọt cây hứng từng giọt nước ngọt lịm vào những ống tre. Ghé qua những lò nấu đường, có dịp chứng kiến tận mắt phương pháp làm đường thủ công từ những giọt nước thốt nốt hứng từ trên cây, thưởng thức hương vị béo ngậy của từng hạt đường tan vào trong miệng, ta mới hiểu vì sao mà đường thốt nốt trở thành một đặc sản phổ biến tuy dân dã mà độc đáo với không chỉ những ai có dịp ghé thăm vùng sông nước này mà còn được rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
Ghé thăm những xưởng làm thốt nốt là một trải nghiệm thú vị - Ảnh: citinews
Thốt nốt mộc mạc, giản dị như chính người miền Tây hiền hậu - Ảnh: mekongculture
Thong dong những con đường rải nhựa quanh co, chạy xe trên những nẻo đường đỏ phù sa, hãy nhớ chọn ghé vào một quán giải khát mà sau nhà trồng cả một vườn thốt nốt, bạn sẽ được thưởng thức món thức uống tuyệt diệu nhất trong chuyến du lịch về miền Tây sông nước của mình.
Nguồn: My tour