Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm
admin | Đăng lúc 10:54 - 22/05/2023

Nghề săn trứng kiến của người dân Thanh Hóa đòi hỏi sự khéo léo, nếu không nhanh và cẩn thận thì đàn kiến bu khắp người và tấn công.

 

Vào bìa rừng đi săn trứng kiến

Khi tiết trời bắt đầu nắng ấm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 Âm lịch hàng năm), là thời điểm săn bắt trứng kiến của người dân các huyện miền núi Thanh Hóa như: Cẩm Thủy, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh,...

Trứng kiến thường làm tổ trên các cành cây ở bìa rừng như: Cây xoan, nhãn, vải, tre... có những tổ cách mặt đất đến cả chục mét. Vì vậy, người săn bắt phải trèo lên thân cây mới thu được "chiến lợi phẩm".

Có thâm niên săn bắt trứng kiến hàng chục năm nay, anh Hà Văn Khơi (33 tuổi), trú ở thôn Đan, xã Ái Thượng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: Mùa săn trứng kiến thường được người dân căn cứ vào mùa hoa xoan. Khi loài hoa này nở cũng là thời điểm thu hoạch trứng kiến của bà con nơi đây.

Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 1.
Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 1.
Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 1.
Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 1.

Dụng cụ săn bắt trứng kiến khá đơn giản, mỗi người chỉ dắt bên mình một con dao, vài chiếc túi để đựng "chiến lợi phẩm". Theo anh Khơi, nghề săn trứng kiến đòi hỏi sự khéo léo, động tác nhanh nhẹn, tránh bị kiến tấn công.

Loại kiến ở miền núi xứ Thanh thường là kiến đen hoặc vàng. Mỗi tổ kiến có hàng nghìn ngăn nuôi trứng. Vì vậy, sau khi hạ tổ kiến xuống đất, người thợ sẽ đặt tổ kiến lên chiếc mâm, mẹt hoặc bạt mang theo.

Sau đó, dùng dao khéo léo tách tổ kiến thành những miếng nhỏ, kiến trưởng thành sẽ thoát ra ngoài. Lúc này, thợ săn kiến sẽ dùng cành cây xua đuổi kiến rời khỏi tổ, để lại những hạt trứng kiến trắng muốt và bóng mẩy như hạt gạo. Người thợ sẽ sàng sẩy sạch cành, lá khô rồi cho vào túi đựng.

"Để thu hoạch được nhiều trứng kiến, chúng tôi thường chọn những ngày nắng ráo vì dễ leo trèo, việc xua đuổi kiến trưởng thành cũng dễ dàng hơn. Dù đã có kinh nghiệm, nhưng tôi cũng không tránh khỏi những lần bị kiến tấn công, bu đầy người", anh Khơi chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh Khơi, khi bị kiến tấn công phải thật bình tĩnh, tìm cách rảy kiến ra khỏi người. Nếu la hét hay nhảy chồm lên càng khiến chúng bu vào đốt nhiều hơn.

Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 2.
Săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa, chế biến thành món ngon ít người được nếm - Ảnh 2.

Vào mùa săn bắt trứng kiến, trung bình mỗi ngày anh Khơi thu hoạch được 2-3 kg trứng kiến. Nếu may mắn, có hôm anh Khơi săn bắt được 4-5kg trứng kiến. Hiện nay, giá bán trứng kiến đang dao động khoảng 170.000 - 200.000 đồng/kg.

Anh Khơi cho biết, trứng kiến có vị ngọt, thơm, rất bùi và bổ dưỡng. Vì vậy, khi săn bắt được trứng kiến, bà con nơi đây thường giữ lại một ít để ăn, số còn lại bán cho các nhà hàng, chế biến thành những món đặc sản hút khách.

Khi lên với vùng cao Thanh Hóa, thực khách có thể thưởng thức những món ăn ngon làm từ trứng kiến như: Xôi trứng kiến, trứng kiến rang sả, cháo trứng kiến, cuốn lá lốt hoặc đơn giản là làm nhân bánh hay nấu canh,...

 
LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll