Đến Tây Nguyên mà du khách chưa được thưởng thức vị thơm ngọt, đăng đắng của rượu cần Tây Nguyên thì quả là một thiếu sót không nhỏ. Dư vị của rượu ấm áp, nóng ấm lạ lùng khiến ai thưởng thức cũng ngất ngây.
Văn hóa rượu cần Tây Nguyên
Khi nhắc đến Tây Nguyên, người ta sẽ nghĩ ngay đến những biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như cồng chiêng, nhà rông, cơm lam… Và có một đặc sản không thể không nhắc đến, đó là rượu cần.
Rượu cần là loại rượu được ủ trong lồ ô, chum hoặc ché. Sau khi ủ đủ thời gian sẽ được uống bằng một dụng cụ gọi là cần. Chính vì vậy mới có tên là rượu cần. Rượu không dùng thường xuyên trong sinh hoạt, mà chỉ xuất hiện vào các dịp đặc biệt như lễ tết, lễ hội, lễ tế thần linh hoặc dùng để đãi khách phương xa. Vì vậy rượu cần không bao giờ uống một mình mà luôn uống tập thể.
Vào những ngày trọng đại hoặc đãi khách quý, ché rượu cần được đặt giữa nhà, hoặc giữa sân, bên ánh lửa bập bùng. Khách và chủ ngồi xung quanh ché, trên miệng ché là những ống cần được cắm sẵn. Mỗi người cầm một ống cần và hút say sưa trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Khi đã say sưa với men rượu, mọi người cùng nắm tay nhau hòa cùng điệu múa, điệu nhảy,lời ca. Dường như men say rượu cần đã giúp cho những con người trước đó còn xa lạ bỗng xích lại gần nhau hơn, xóa nhà mọi khoảng cách.
Không rõ thức uống này có tự bao giờ, chỉ biết rằng nó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người bản xứ. Mỗi khi có khách quý ghé thăm, hoặc người bản xứ khi đến những vùng khác đều luôn tự hào giới thiệu về thứ đặc sản mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng này.
Cách làm rượu cần của người Tây Nguyên
Vốn là thức uống đặc trưng, nên cách làm rượu cần cũng khác biệt với các loại rượu thông thường. Để làm một hũ rượu cần cần có men rượu, cái rượu và chum, hũ, ché. Cái rượu được làm từ các loại ngũ cốc như gạo, sắn, bắp kê… Đây là thành phần chính tạo nên hương vị cho rượu cần. Mỗi loại sẽ mang lại hương vị và trải nghiệm khác nhau cho người dùng.
Men rượu chính là bí quyết tạo sự thơm ngon cho rượu. Men được làm từ các loại cây rừng kết hợp với bột ớt, gừng, riềng, bột gạo… Tất cả trộn lại với nước rồi vê thành từng bánh nhỏ, phơi khô từ 10-15 ngày. Ngô, gạo… sau khi đồ chín đem trộn với trấu rồi dàn mỏng, để nguội hoặc phơi khô. Sau đó trộn men rượu với cái rượu theo tỷ lệ phù hợp rồi đem ủ kín bằng nilong hoặc lá cây từ 5-7 ngày. Khi men rượu dậy mùi thơm thì cho vào ché, chum. Phía trên ủ kín bằng lá chuối, trên miệng chum bịt kín bằng tro hòa với nước thành hỗn hợp sền sệt. Sau khi ủ được khoảng 1 tháng thì có thể đem dùng. Rượu để càng lâu càng già, uống càng ngon.
Văn hóa thưởng thức rượu cần đúng chuẩn
Văn hóa thưởng thức rượu cần cũng là cả một sự khác biệt đặc trưng. Không uống bằng ly, chén như những loại rượu khác mà uống bằng những chiếc vòi cần. Cần thường được làm từ những cây trúc dài có độ lớn bằng ngón tay, các mắt trúc được đục hết lỗ. Cần được rửa sạch cả bên trong lẫn bên ngoài trước khi uống để đảm bảo vệ sinh.
Chum rượu sau khi mở ra tỏa một mùi thơm ngây ngất. Lúc này cần lấy lá chuối nén chặt phía trên, nén càng chặt thì rượu càng ngọt. Cắm các cần vào miệng chum xiên qua các lớp lá chuối xuống tận đáy chum. Sau đó đổ nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội vào đầy bình để hòa tan chất cồn trong men rượu. Để tỏ lòng thành kính, chủ nhà sẽ uống một hớp trước, sau đó mới trịnh trọng mời khách. Mỗi người cầm một cần, một tay cầm thân cần, một tay cầm miệng cần và nhẹ nhàng uống. Uống hết nước thì lại đổ lớp khác vào uống tiếp cho đến khi rượu nhạt thì thôi.
Rượu đã đổ nước vào chỉ dùng trong khoảng 24 tiếng. Nếu chưa đổ nước thì có thể ủ kín lại và bảo quản chỗ kín, râm mát. Lưu ý là chỉ đổ nước nguội, nước lạnh vào chum khi uống. Nếu đổ nước ấm hoặc nước nóng sẽ làm hỏng chum rượu ngay.
Không chỉ là một loại thức uống đơn thuần, rượu cần còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người và đất Tây Nguyên. Nếu có dịp du lịch lên vùng đất đỏ ba gian, đừng quên thưởng thức thứ đặc sản đầy thi vị, cuốn hút này nhé.