Phở bò Nam Định nức tiếng được nhiều người biết đến là ngon nhờ hương vị riêng. Món ăn còn làm nên nét đẹp văn hóa ẩm thực cho đất Bắc.
Đôi nét giới thiệu về phở bò Nam Định
Có khá nhiều tài liệu nói rằng, nguồn gốc của phở là ở Nam Định. Khi các nhà máy dệt mọc lên, nó cũng chính là thời điểm các gánh phở xuất hiện. Lúc đầu, chỉ là những gánh phở rong của người làng Giao Cù và từ họ Cồ ở làng Vân Cù, xã Đồng Sơn.
Trong đó, làng Vân Cù là nổi tiếng nhất. Làng được nhiều người biết đến là chuyên bán phở bò chín ngon nức tiếng. Mãi đến sau này mới có thêm phở tái, nạm và gầu. Nồi nước dùng của phở Nam Định trong veo từ đầu cho đến đáy nồi. Đặc biệt, nước dùng phở được ninh trong nhiều giờ, cho vị ngon, ngọt và thơm tự nhiên, hoàn toàn không thêm phụ gia.
Từ Nam Định, những gánh phở Cồ, phở Giao Cù đã tới những con phố, ngóc ngách của Hà Nội. Theo thời gian, những gánh phở ngày nào, giờ đã cho mình một vị trí đứng ở các cửa hàng sang trọng hơn. Dù gốc ở Nam Định nhưng phở lại được thăng hoa ở Hà Nội. Vì thế, không ít cửa hàng phở bò gia truyền Nam Định có mặt tại Hà Nội. Thú vị là nó giữa được đúng vị ngon và cái chất gia truyền của con người xưa kia.
Bí quyết nấu phở gia truyền của người Nam Định
Bánh phở phải chọn thứ gạo mùa, gạo chiêm từ vụ trước thì mới ngon. Gạo được mang đi nghiền thành bột. Bột trắng, dai được tráng mỏng cho chín nục. Thời xưa, chọn gạo để làm phở phải chỉ đích danh thứ gạo tấm. Vì gạo gãy ⅔ sẽ làm bánh dai, trắng và thơm hơn.
Với thịt bò làm phở phải là thịt bò trưởng thành, nặng khoảng 3-4 ta/1 con. Vì những con bò to lớn cho xương cốt giúp nấu được nước dùng ngon, ngọt. Để có được nồi nước dùng trong, nước luộc xương ban đầu phải bỏ đi. Sau đó, rửa sạch, sử dụng nước khác để ninh. Như vậy, nước dùng của phở sẽ trong, không bị váng nổi lên. Nước phở càng ngọt thì phở càng ngon. Đặc biệt, công thức phở bò Nam Định là hạn chế cho muối vào nước phở. Vì nó có thể làm cho nước phở bị chát, mất đi vị ngon, thay vào đó sử dụng mắm. Nước mắm phải sử dụng loại ngon, sẽ cho vị thơm và ngon hơn.
Ngoài ra, trong nước nấu phở gia truyền Nam Định thường có thêm ít gừng, ít sá sùng, hành khô… Đây cũng là bí quyết nấu phở bò Nam Định cho vị ngon riêng, không giống nhau. Hay như việc luộc thịt cũng không phải đơn giản. Phải chọn thịt tươi sống, khi luộc nước sôi, nếu có váng nổi lên thì vớt bỏ đi. Thịt chín nhưng không vớt ra mà để nguyên trong nồi thêm 1 tiếng nữa. Sau đó vớt ra treo lên cho khô, giúp thịt không bị bở mà ngon hơn.
Phở bò Nam Định cho mùi thơm ngút ngàn khi bưng tới. Khi ăn có thể thêm ít chanh, hạt tiêu, chút mắm…. Hoặc ăn kèm với một vài chiếc quẩy giòn nữa. Món ăn có thể ăn sáng, ăn trưa, tối đều được, thay cơm khi chán.