“Dù ai đi ngược về xuôi – Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh”. Câu ca dao ngọt ngào này đã đi vào lòng biết bao nhiêu thế hệ. Một món ăn dung dị nhưng lại chứa đựng tinh túy của trời đất và bàn tay khéo léo của con người.
1. Giới thiệu về vùng đất Phù Ninh
Bưởi Đoan Hùng, bánh tai hay kể cả món ăn đặc biệt thịt chó Việt Trì đều khiến người dân đất Tổ luôn tự hào. Thế nhưng trong số ấy, cơm nắm lá cọ dường như mới là thứ khiến người ta khi ăn một lần rồi thì nhớ mãi. Đó cũng là món ăn mang đậm nét ẩm thực vùng miền nhất không món nào sánh được.
Ai đã từng thử món này một lần ở Phù Ninh là nhớ mãi
“Cái nôi” của món ăn bình dị này không nơi nào khác chính là Phù Ninh một huyện phía đông bắc thuộc tỉnh Phú Thọ. Huyện có phía bắc giáp Đoan Hùng, phía nam giáp Việt Trì, phía đông cách huyện Sông Lô bởi con sông cùng tên và phía tây giáp huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.
Phần lớn diện tích đất nơi đây đều là đồi núi, bởi vậy, những đồi xanh bạt ngàn luôn mang lại cảm giác yên bình cho những ai đặt chân đến đây. Phú Thọ là tỉnh có diện tích trồng cọ lớn nhất nước ta. Bởi vậy, đời sống của người dân thường gắn liền với loài cây cứng cáp này.
2. Nét đặc sắc của cơm nắm lá cọ Phù Ninh
Hồn quê vùng Đông Bắc dường như tụ hội vào món ăn vô cùng đời thường mà đặc biệt. Những món ăn dân dã từ xưa kia của vùng đất Tổ không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng lại chứa đựng rất nhiều những giá trị đặc sắc. Cơm nắm chính là một món ăn như thế.
Nét dung dị, đời thường đã đi vào nền ẩm thực một cách tự nhiên như thế
Tuy nguyên liệu chỉ là những nắm cơm trắng và những lá cọ xanh mượt, thế nhưng qua bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, người dân Phù Ninh đã “thổi hồn” vào món ăn này. Những tàu lá non, những hạt gạo trắng ngần đã tạo nên một món ăn dân dã trải dài suốt hành trình lịch sử của dân tộc.
3. Cách làm cơm nắm lá cọ
Cơm nắm – lá cọ nghe thôi đã thấy thân thuộc. Để làm được một nắm cơm ngon, loại gạo được chọn phải là gạo dẻo, mới và thơm. Nước dùng để nấu cơm phải là nước mưa để gạo không bị mất đi hương vị.
Lá cọ được dùng để nắm cơm phải lấy từ cây cọ còn non, lá bánh tẻ đang búp và chưa xòe hết. Lá khi này có màu vàng hơi phớt xanh được cắt thành miếng vuông, hơ qua lửa cho mềm rồi lau thật kỹ.
Cơm sau khi chín sẽ được nắm tròn và lăn kỹ bằng khăn ướt sao cho thật chặt và nhuyễn. Cơm được chia thành các phần bằng nhau, gói vào lá cọ đã chuẩn bị sẵn. Buộc hai đầu lá và lăn thêm để cơm bám chặt vào lá.
Khi ăn, bóc lá cọ ra bạn sẽ thấy từng nắm cơm trắng mịn in lên là những viền sọc đều của lá. Hương thơm từ gạo mới hòa quyện với mùi thơm từ lá cọ khiến ai cũng phải ngất ngây và thèm muốn.
Lá cọ được chọn là loại bánh tẻ, đang hơi búp, có màu vàng phớt xanh non sau đó được cắt thành miếng vuông
Cách thưởng thức cơm nắm lá cọ cũng đơn giản và không hề cầu kỳ. Bạn có thể bẻ nắm cơm rồi chấm cùng với muối vừng. Nếu không, bạn cũng có thể ăn kèm với thịt lợn rang khô. Từng miếng cơm hòa lẫn cùng vị bùi, vị béo kích thích mọi giác quan của người thưởng thức, gợi nhớ về sự yên bình mà ấm áp của một miền quê bình dị.
Địa chỉ thưởng thức món cơm nắm lá cọ : Làng cổ Phù Ninh, Xã Phù Ninh, Huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ
Đi cùng người dân vùng Phù Ninh qua những năm tháng lam lũ, người ta mới thấy hết được giá trị và nét đẹp văn hóa của món cơm nắm lá cọ. Mạnh mẽ, cứng rắn bên ngoài nhưng lại thơm dẻo, ngọt lành bên trong của món ăn này cũng giống như con người của miền đất Phú Thọ này. Hãy thử một lần trải nghiệm để cảm nhận hết nét tinh hoa và dung dị của món ăn đậm hồn dân tộc này, bạn nhé!