Nếm Thử Xôi Trứng Kiến - Đặc Sản Của Người Tày
admin | Đăng lúc 16:10 - 09/09/2021

Xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người dân tộc Tày, đặc biệt vào mùa xuân, kiến ở trong rừng đẻ nhiều trứng nên đây là thời điểm vàng để thưởng thức món ăn lạ miệng thơm ngon này. Bạn đã từng thử qua chưa? Nếu chưa hãy để Mytour.vn đưa bạn chu du vùng núi phía Bắc thưởng thức món xôi trứng kiến - đặc sản của người Tày nhé!

 

Xôi trứng kiến - đặc sản của người Tày

Xôi trứng kiến - đặc sản của người Tày - Ảnh: sưu tầm

 

Người dân tộc Tày hay còn có tên gọi khác là người Thổ, có dân số đông và phổ biến thứ hai sau dân tộc Kinh và phân bố chủ yếu ở các vùng núi thấp và trung du phía Bắc nước ta. Bản làng của người Tày thường tập trung gần rừng, núi và ven suối.

 

Chợ phiên trên vùng núi phía Bắc

Chợ phiên trên vùng núi phía Bắc - Ảnh: Kyo

 

Một cụ bà người Tày

Một cụ bà người Tày - Ảnh: Trannam80

 

Mỗi dân tộc đều có một đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng, người dân tộc Tày cũng vậy, những món ăn độc đáo làm nên bản sắc rất riêng của họ, và phần lớn những món ăn này đều có nguồn gốc từ những loại thực phẩm phổ biến trong bản, trong rừng mà họ sinh sống.

 

Xôi trứng kiến có màu sắc hấp dẫn cùng hương vị thơm ngon

Xôi trứng kiến có màu sắc hấp dẫn cùng hương vị thơm ngon - Ảnh: Sưu tầm

  

Một trong những món ăn lạ miệng đó có món “xôi trứng kiến” - đặc sản của người dân tộc Tày mà nếu có cơ hội thưởng thức bạn sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, ngòn ngọt, bùi béo mà lại không hề ngấy của món xôi hấp dẫn này.

 

Cận cảnh một bát xôi trứng kiến

Cận cảnh một bát xôi trứng kiến - Ảnh: Le Nguyet

 

Xôi trứng kiến được làm từ thành phần chính là gạo nếp nương và trứng của kiến đen ở trong rừng. Thêm vào đó là các gia vị làm nên mùi hương thơm lừng hòa quyện trong từng hạt xôi mềm dẻo là củ kiệu phi thơm với mỡ gà, và được gói trong lá chuối ngự.

 

Mùa xuân là thời điểm kiến đẻ nhiều nhất và trứng to nhất

Mùa xuân là thời điểm kiến đẻ nhiều nhất và trứng to nhất - Ảnh: kienthuc

 

Linh hồn của món xôi đặc sản này chính là trứng kiến. Vào khoảng tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm, khi tiết trời sang xuân ấm áp cũng chính là thời điểm kiến rừng sinh sản rất mạnh nên đây chính là thời điểm vàng để người dân tộc Tày vào rừng lấy trứng kiến về làm xôi.

 

Trứng kiến là thành phần chính của món xôi trứng kiến

Trứng kiến là thành phần chính của món xôi trứng kiến - Ảnh: Sưu tầm

  

Theo kinh nghiệm của các già làng ở trong bản thì căn cứ vào hoa xoan để lấy trứng được nhiều nhất. Vào thời điểm hoa xoan nở rộ thì trứng kiến nhiều nhất, mẩy nhất và béo nhất. Mặt khác phải lấy trứng kiến vào một ngày nắng ráo nếu không trứng kiến ngấm nước mưa sẽ hỏng và ăn không ngon.

 

Trứng kiến sau khi thu hoạch về

Trứng kiến sau khi thu hoạch về - Ảnh: Le Nguyet

 

Vào một ngày nắng ấm đẹp trời của tháng 2, người dân tộc Tày sẽ mang trên mình nào câu liêm, nào dao rựa nào thúng nào sàng để tiến vào rừng sâu và công cuộc lấy trứng kiến mà người dân vẫn hay gọi là “đánh trứng”. Theo kinh nghiệm thì những tổ kiến nào to, hình tròn hoặc bầu dục, có mặt tổ đen và kín, nhẵn thín thì sẽ cho nhiều trứng. Còn tổ kiến nào xốp và hở thì sẽ cho ít trứng hơn.

 

Để loại bỏ con kiến, người ta thường cho lá hoặc cành cây vào để kiến bám lên

Để loại bỏ con kiến, người ta thường cho lá hoặc cành cây vào để kiến bám lên - Ảnh: Sưu tầm

 

Để bắt đầu công cuộc “đánh trứng”, người dân sẽ dùng câu liêm hoặc nếu không có câu liêm thì dùng một cành cây dài chọc thủng tổ kiến xuống và cho vào sàng, dưới sàng sẽ đặt một chiếc thúng. Sau đó, cắt tổ kiến thành từng mảng nhỏ và đập nhẹ cho trứng kiến rơi qua sàng xuống thúng. Để tách kiến ra khỏi sàng người ta dùng những lá cây hoặc cành cây để kiến bám vào. Bao giờ đầy kiến bám đầy vào thì lấy cành cây hoặc lá cây vứt đi và tiếp tục làm như thế 4-5 lần sàng và tổ sẽ hết sạch kiến.

 

Mang cả thúng kiến như thế về nhà thật nhẹ nhàng và sau đó sẽ là công đoạn sàng lọc trứng để loại bỏ những tạp chất bẩn ra sau đó người dân tộc Tày sẽ ngâm vào nước ấm sạch và quấy nhẹ để rửa trứng và để ráo nước. Sau đó là công đoạn xào trứng kiến. Trứng kiến được ướp gia vị rồi cho vào xào cùng củ kiệu đã được phi với mỡ gà cho thật thơm, vừa chín tới và dậy mùi thơm hấp dẫn.

 

Công cuộc sàng lọc kiến cũng khá vất vả

Công cuộc sàng lọc kiến cũng khá vất vả - Ảnh: trungkien

  

Tiếp theo trứng kiến đã xào sẽ được đặt trong lá chuối ngự, cho vào chõ xôi, xung quanh là những hạt nếp nương đã được ngâm và vo sạch, đun lửa như thổi xôi bình thường. Nếp được người Tày dùng để nấu xôi trứng kiến phải là nếp nương, hạt to mẩy, trắng ngần và thơm nức mũi, được ngâm từ 3 - 4 tiếng rồi đem đồ.  

 

Khi thấy hạt nếp chuyển thành màu trắng trong, căng mọng, hương thơm ngào ngạt của mùi gạo nếp nương xen với mùi thơm củ kiệu phi mỡ gà, mùi béo bùi của trứng kiến bay ra thì đó chính là lúc xôi chín rồi đấy. Dùng đũa xới nhẹ xôi để xôi chín được đều nhưng nhớ cẩn thận để trứng kiến không bị vỡ  sau đó dùng nóng.

 

Trứng của loài kiến đen to và mập hơn hẳn

Trứng của loài kiến đen to và mập hơn hẳn - Ảnh: Trungkien

 

Cách thưởng thức xôi trứng kiến đúng điệu là dùng tay nhón từng nhúm xôi nhỏ cho luôn vào miệng, nhai thật kỹ để cảm nhận từng tiếng trứng kiến vỡ lép bép, vị béo bùi lan tỏa trong miệng, tan chảy với vị thơm dẻo của lúa nếp nương, thoang thoảng mùi ngậy của mỡ gà và hương vị rất đặc trưng của lá chuối ngự dường như đánh thức tất cả các giác quan của bạn để cảm nhận “hơi thở của vùng núi Tây Bắc” vậy.

 

Một số nơi của dân tộc này, trứng kiến còn được bày bán ở chợ

Một số nơi của dân tộc này, trứng kiến còn được bày bán ở chợ - Ảnh: sưu tầm

  

Món xôi trứng kiến còn là một món ăn không thể thiếu được trong lễ hội của người Tày, đặc biệt là trong dịp tết Hàn Thực ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân tộc Tày đều thổi xôi trứng kiến hoặc bánh trứng kiến để cúng tế Thành Hoàng làng.

 

Bạn biết không, xôi trứng kiến không chỉ tạo cảm giác lạ miệng mà còn là một món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là phụ nữ và có tác dụng chữa bệnh nữa đấy. Đối với những người đã từng một lần nếm qua món xôi trứng kiến ắt hẳn không bao giờ quên được hương vị của nó. Nếu có cơ hội, hãy ghé thăm những bản làng của người dân tộc Tày vào dịp tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm để thưởng thức bạn nhé!

 Nguồn: My tour

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll