Canh cua dân dã, quen thuộc nhưng nấu làm sao để gạch cua đóng thành tảng, mịn bông không lợn cợn cặn cua thì không phải ai cũng làm được.
Canh cua là một trong những món ăn thơm ngon, thanh mát và được nhiều người yêu thích trong ngày hè. Canh cua không chỉ bổ dưỡng mà còn khiến bữa cơm giữa tiết trời oi nóng thêm phần hấp dẫn.
Vào những ngày hè, chẳng cần món ăn gì cao sang, có lẽ chỉ một bát canh cua với thịt và gạch cua đóng thành từng mảng, vài quả cà pháo là xong bữa cơm.
Canh cua dân dã, quen thuộc như thế nhưng nấu làm sao để thịt, gạch cua có thể đóng thành từng mảng cũng cần có bí quyết. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn nấu được nồi canh cua như ý:
- Chọn cua
Nguyên liệu tươi sống là yếu tố quan trọng quyết định món ăn của bạn có ngon hay không. Với món canh cua thì nguyên liệu chính là cua đồng. Cua đồng ngon nhất vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng âm lịch, lúc này cua béo, nhiều thịt. Còn nếu ăn vào giữa tháng, là thời điểm cua lột vỏ, sẽ gầy, yếu.
Nên chọn cua có màu sắc tươi sáng, sờ vào mình chắc chắn, có đủ tất cả càng. Những con cua sủi bọt nhiều, sẵn sàng kẹp lại là những con khỏe, thịt ngon. Không nên mua những con không di chuyển được hoặc di chuyển chậm.
Nếu chọn cua đực thì nhiều thịt, còn chọn cua cái thì nhiều gạch. Nhiều người thường chọn cua cái vì cho rằng cua cái chắc thịt hơn cua đực. Ngoài ra, chọn con cua to cỡ ngón chân trở lên sẽ nhiều thịt và thơm. Trong khi cua non nhỏ sẽ làm nước bị hoi. Những con cua mà yếm đang có con thì không nên chọn vì sẽ làm nước bị tanh.
- Sơ chế cua
Cua mua về bạn rửa 2-3 lần và ngâm cua khoảng 25 phút với nước để cua nhả hết bùn bẩn. Sau đó, rửa sạch lại một lần nữa rồi tách phần mai và yếm cua, cũng như lấy gạch từ mai cua.
Tiếp theo, bạn mang phần mai và yếm cua đi giã. Để cua nhiều gạch bạn nên giã tay thay vì xay máy. Trước khi giã nên cho một thìa muối vào. Việc này không phải để cua bớt tanh, mà giúp cho protein được kết dính với nhau tốt hơn, khi nấu lên sẽ tạo thành mảng. Đây là lý do khi quết thịt mà cho muối thì khối thịt sẽ dẻo mịn hơn là không dùng muối.
Giã xong, bạn đổ vào cối lượng nước thích hợp và lọc qua rây lọc để loại bỏ xác cua. Lưu ý, không nên cho quá nhiều nước khi lọc cua vì như vậy sẽ khiến nước cua bị loãng, làm canh kém phần ngon ngọt.
- Nấu canh cua
Bạn cho phần nước cua đã lọc được vào nồi, đun lửa nhỏ và không khuấy. Khi thấy gạch cua bắt đầu nổi lên, bạn nghiêng nhẹ nồi để gạch kết lại. Tiếp tục nấu thêm khoảng 3 phút thì thêm rau và phần gạch lấy từ mai cua vào. Bạn dìm rau nhẹ nhàng để tránh làm vỡ gạch cua.
Trước khi tắt bếp khoảng 1 phút, bạn nêm nếm nồi canh với chút muối và nước mắm. Nếu có mắm cáy thì thêm 1 muỗng nhỏ, không có thì bỏ qua.
Tùy theo sở thích mà chị em có thể nấu canh cua với rau mồng tơi, mướp hoặc rau muống, rau cải. Để rau không bị nồng và giữ được màu xanh thì nên mở vung khi nấu.
Với những hướng dẫn như trên, đảm bảo bạn sẽ có bát canh cua thơm nức, nước canh ngọt, thịt cua béo ngậy, đóng mảng, không tanh, ai thấy cũng thèm.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/