Một trong những món ăn mà khi du khách lên Tây Bắc nhất định phải thử đó là nậm pịa. Đây là một món “độc” và “lạ” của tộc người Thái, ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Nậm pịa là gì?
Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” có nghĩa là chất sền sệt ở trong ruột non của con bò (hoặc trâu, ngựa), tên gọi khác là phân non. Món ăn truyền thống có từ lâu đời của người Thái. Tuy món ăn có phần khá lạ, nhưng lại là đặc sản riêng của vùng núi Tây Bắc. Món ăn hội tụ đầy đủ cả mùi và vị cho người ăn cảm nhận rõ nét văn hóa ẩm thực của người dân tộc. Với người Thái, đây là một món ăn ngon. Họ thường dùng trong các dịp Lễ, Tết hoặc chỉ khi có bạn bè, khách quý đến nhà chơi.
Nậm pịa có cách chế biến khá độc và lạ
Nậm pịa thường lấy ở những con vật ăn cỏ là chủ yếu. Nó có thể trâu, dê, bò, ngựa… Nếu là trâu thì người ta sẽ gọi là nậm pịa trâu, nếu là dê thì người ta sẽ gọi là nậm pịa dê… tùy thuộc vào phần nguyên liệu mà họ sử dụng.
Nậm pịa lấy cũng không phải đơn giản. Pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng được mang ra khỏi bụng con vật. Nó sẽ được bảo quản cẩn thận, tránh ruồi nhặng hoặc vi khuẩn xâm nhập gây hỏng hoặc mùi. Phần ruột non được buộc chặt lại, để chất nhũ tương trong ruột non không chảy ra ngoài hoặc lẫn với các tạp chất khác. Với người Thái, họ quan niệm chất dịch trong ruột non là phần tinh túy nhất của con vật. Vì thế, nậm pịa không bị coi là món ăn kinh dị, ngược lại vô cùng bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Không chỉ chuẩn bị nguyên liệu cầu kỳ, cách nấu nậm pịa dê, trâu, bò… cũng khá phức tạp. Như phần nước dùng, nó sẽ được ninh từ xương trong nhiều giờ đồng hồ cho độ ngon, ngọt. Sau đó, họ sẽ đổ tất cả dạ dày, lòng mề, tim, gan, phèo phổi… gọi chung là lục phủ ngũ tạ vào nồi ninh. Phần ruột non sẽ được cắt khúc, trộn với rau thơm, mắc khén, tỏi, ớt…. cho vào rồi đun cho đến khi món ăn đặc sánh lại là có thể thưởng thức được rồi.
Hương vị độc đáo nên thử khi đến Tây Bắc
Nậm pịa Tây Bắc khi nấu xong có màu nâu, nước sánh đặc, mùi hơi khó ngửi, nếm có vị đắng. Nậm pịa khá khó ăn. Với những người lần đầu thưởng thức, chắc chắn sẽ không thể “yêu thương” được cả mùi vẫn vị của nó. Nhưng nếu cố gắng ăn thử hai ba miếng thì người ăn sẽ cảm nhận được vị thơm của mắc khén và gia vị đặc trưng của núi rừng.
Đặc biệt, nó có thể nhâm nhi với rượu, như vậy, du khách sẽ cảm nhận được vị đắng đầu lưỡi và ngọt ở cổ họng. Nó sẽ giúp bạn thay đổi về việc ăn nậm pịa – là một món ăn không quá khó ăn. Món ăn chế biến sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp du khách yếu bụng yếu dạ vẫn có thể thoải mái thử mà không phải lo lắng. Đặc biệt, món ăn đặc biệt này còn có khả năng giải rượu cực kỳ tốt, bạn có thể thử áp dụng cho những người thân của mình.