Mắm tép chua gần gũi và quen thuộc với người dân Bến Tre, trở thành món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ.
Mắm tép trộn đu đủ đúng vị Bến Tre
Bến Tre quê tôi có truyền thống về mắm rất độc đáo. Đặc thù sông quê cho tôm tép rất nhiều, người dân bản xứ cứ chài lưới, đổ bung được tép nhiều ăn không hết thì để dành làm mắm. Dần dần, mắm tép bạc đất trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân nơi đây như một món ăn đặc sản của Miền Tây Nam Bộ.
Dưới bến sông nhà tôi, mỗi ngày hai con nước ròng nước lớn là hai chuyến anh chị Năm giở lưới đáy, được nhiều tép.
Chị Năm với 5 kg tép lưới được mỗi ngày, trên môi luôn cười dù rất vất vả.
Tôi để dành tép để ủ mắm theo công thức gia truyền của mẹ chỉ dạy, từ từ món ăn trở thành linh hồn của những người con gốc Bến Tre khi đi xa quê nhà.
Tết đến là người người, nhà nhà thủ trong nhà ít nhất 1 hũ mắm tép để dành ăn Tết. Tôi xin chia sẻ với bạn đọc Báo Người Lao Động công thức và cách làm mắm tép bạc đất được màu đỏ tự nhiên, mặn mòi, thơm ngon đặc trưng nhất.
Nguyên liệu: 5 kg tép bạc đất, 4 lít nước mắm ngon, 3 chén giấm nuôi, 2 kg đường, tỏi, gừng, ớt xắt miếng mỏng.
Những con tép sống tươi của thiên nhiên ban tặng
Nước mắm ngon và đường được nấu chung hòa tan và để nguội.
Cho 3 chén giấm nuôi vào
Tép bạc đất bỏ đầu bỏ cả chỉ đen trên thân và rửa sạch với nước nhiều lần, sau đó để ráo nước rồi cho ớt, tỏi, gừng xắt miếng mỏng vào ướp trộn đều.
Cho giấm vào ướp trong 1 giờ để tép ngấm đều
Dùng tre sạch gạt phía trên, cho giấm, nước mắm vào ngập cả hũ
Cột miệng thật kín
Cứ mỗi ngày phơi nắng xong lại mang vào
Phơi nắng đúng 10 ngày thì tép đỏ
Tép được ủ sau 30 ngày, thịt ngọt mặn, thanh thao vừa miệng.
Mắm tép trộn với đu đủ là một sự kết hợp tuyệt vời
Thành phẩm mắm tép bạc đất được ăn với cơm nguội, cơm nóng, bún, cuộn bánh tráng...
Tết đến là người người, nhà nhà thủ trong nhà ít nhất 1 hũ mắm tép để dành ăn Tết.
Căn bếp nhỏ với những lọ mắm tôm chua gợi thương nhớ cho những người con Bến Tre xa nhà