Khác với bún bung thông thường, bún bung Thái Bình độc đáo ở chỗ phải được nấu cùng hoa chuối, ăn kèm viên chả thịt gói cẩn thận trong lá xương sông.
Bún bung khá phổ biến ở miền Bắc. Món ăn này thường xuất hiện bằng nhiều cái tên khác như: bún mọc, bún móng giò, bún dọc mùng...
Nhưng khác với mọi nơi, bún bung Thái Bình đặc biệt ở chỗ nhất định phải được nấu cùng hoa chuối, ăn kèm viên chả thịt được gói trong lá xương sông. Chính điều đó khiến món ăn được yêu thích và có hương vị rất riêng.
Cách nấu món ăn này không khó nhưng để đạt được độ ngon cũng không phải dễ. Người đầu bếp cần chuẩn bị các nguyên liệu chu đáo kết hợp với một gu ẩm thực tinh tế. Dưới đây là các bước làm bún bung Thái Bình các bạn có thể tham khảo.
Nguyên liệu:
- 300 g xương ống
- 300 g thịt chân giò
- 100 gr thịt nạc vai lẫn mỡ xay
- 2 mớ lá xương sông
- 1 cái hoa chuối
- 2 quả cà chua
- Hành lá, hành khô, mùi tàu, tía tô, lá lốt, rau xà lách hoặc rau diếp
- Gia vị: dầu ăn, muối, bột ngọt
-1 kg bún rối
Cách chế biến:
- Hoa chuối thái mỏng. Thái đến đâu thả vào chậu nước có pha chút nước cốt chanh hoặc chậu nước vo gạo luôn đến đó để hoa chuối bớt chát, không bị thâm.
- Tía tô, lá lốt, rau xà lách nhặt và rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô băm nhỏ. Cà chua bổ múi cau.
- Xương ống, móng giò, thịt chân giò, rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi chần trong vài phút để loại bỏ tạp chất. Vớt ra rửa xả lại thật sạch.
- Bắc nồi nước khác lên bếp, cho các nguyên liệu trên vào cùng một nhánh gừng và chút muối. Đun sôi cỡ 10 phút, sau đó hạ lửa nhỏ. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng hớt bọt để nước được trong.
- Khi thịt chân giò và móng giò đã chín, vớt ra cho vào bát nước sôi để nguội kèm đá viên và vài lát chanh để giữ được độ giòn. Khi nguội, vớt ra thấm khô. Riêng phần thịt chân giò cho vào ngăn mát tủ lạnh để thịt se lại, săn chắc hơn, khi thái sẽ dễ dàng và đẹp hơn. Phần xương ống tiếp tục ninh thêm cỡ 30 phút để lấy nước dùng.
- Phần thịt lợn xay trộn thêm bột nêm, hạt tiêu, chút hành khô băm nhỏ và lá xương sông thái nhỏ ướp khoảng 20 phút. Lấy lá xương sông để gói phần thịt thành những viên nhỏ sao cho toàn bộ phần lá sẽ bọc được hết thịt thì lúc ninh viên chả mới không bị vỡ. Có thể dùng dây lạt tre mỏng, sợi dứa, lá hành hoặc cây tăm xiên vào để buộc chặt lá xương sông.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng. Thả viên chả lá xương sông vào rán sơ.
- Sau khi ninh xong, vớt bỏ xương ống rồi thả từng viên chả xương sông vào nồi nước dùng đun cho chả chín mềm thì vớt ra.
- Hoa chuối vớt ra, để ráo nước. Phi thơm hành, xào hoa chuối cùng 2 quả cà chua và thêm chút gia vị cho đậm đà. Tiếp theo đổ tất cả vào nồi nước dùng và ninh tiếp (sau khi đã ninh xong viên chả).
- Thêm gia vị cho vừa miệng và đun cho đến khi hoa chuối chín mềm. Nước dùng chuẩn là nước dùng có màu đục do nhựa hoa chuối tiết ra chứ không trong.
- Chần bún nóng rồi cho ra bát, xếp thêm chả xương sông, thịt chân giò thái miếng, móng giò, chút rau thơm rồi múc nước dùng nóng kèm hoa chuối chín mềm chan lên trên.
Thành phẩm:
Bát bún hấp dẫn bởi viên chả bên ngoài vẫn có độ giòn, bên trong mềm ẩm, nước dùng thơm béo đậm đà, phần chân giò vẫn giữ được độ giòn và săn chắc. Cái chát của hoa chuối đã được làm dịu bởi vị béo ngậy của thịt chân giò nên ăn sẽ vừa mềm vừa ngọt.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/