Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc không chỉ là là nơi chuyên làm ra những chiếc bánh đặc sản Bến Tre mà nó còn là địa điểm du lịch cộng đồng mang đậm nét sinh hoạt địa phương.
Quê hương Đồng Khởi, vùng đất của những hàng dừa xanh ngút ngàn và bao vườn cây ăn trái trĩu quả không chỉ được biết đến với những địa điểm du lịch như cồn Phụng, cồn Quy, làng hoa Chợ Lách, vườn trái cây Cái Mơn mà nơi đây còn nổi tiếng với một món ăn truyền thống gắn liền với tên làng nghề sản xuất ra nó, đó là bánh phồng Sơn Đốc. Món bánh đặc sản Nam Bộ này vừa có hương vị thơm ngon, béo ngậy vừa đủ nhưng khiến thực khách nhớ mãi không quên dù chỉ mới ăn thử một lần.
Đã từ lâu, làng nghề trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây với hương vị truyền thống nhưng vẫn giữ đươc nét độc đáo của mình. Nếu có dịp du lịch Bến Tre và ghé thăm Giồng Trôm thì bạn đừng quên check in làng nghề và thưởng thức món ăn đặc biệt này nhé!
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc nằm ở đâu?
Địa chỉ: xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Câu ca dao quen thuộc “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” từ lâu đã đi vào tiếng hò câu hát và được nhiều thế hệ người miền Tây thuộc lòng, nhớ về món bánh đặc trưng của Bến Tre. Để đến được làng bánh phồng Sơn Đốc, bạn có thể đi dọc theo Tỉnh lộ 887 khoảng chừng 20 cây số là sẽ tiến vào một khu làng nghề truyền thống bình yên mà người dân địa phương vẫn hay gọi là “Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc”.
Làng nghề tọa lạc tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Làng nghề Sơn Đốc có tuổi đời hơn 100 năm và được biết đến khắp cả nước chứ không chỉ trong tỉnh nhà hay chỉ riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thương hiệu làng bánh phồng Sơn Đốc
Nhằm đưa thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc nhanh chóng tiếp cận đến nhiều đối tượng tiêu dùng và nhất khách du lịch, vào năm 2001, một số hộ kinh doanh đã cùng nhau lập ra Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc để xúc tiến mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển sản xuất.
Đặc biệt hơn, vào ngày 23-3-2019, UBND huyện Giồng Trôm đã tổ chức lễ công bố và đón nhận chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho “Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc” ở xã Hưng Nhượng.
Hương vị thơm ngon của bánh phồng Sơn Đốc
Ban đầu món bánh phồng Sơn Đốc chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội đặc biệt như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu. Bởi vì theo lời kể của các cụ lớn tuổi ở địa phương thì chỉ vào các dịp quan trọng trong năm, các thành viên trong gia đình mới có thể quây quần, sum họp lại với nhau. Lúc này khi bưng dĩa bánh đến từ làng nghề bánh phồng Sơn Đốc lên, cả nhà sẽ cùng nhau trò chuyện và tha hồ thưởng thức món ăn đặc biệt với hương vị thơm ngon beo béo này.
Cùng với bánh pía Sóc Trăng, bánh in Đồng Tháp, bánh bò thốt nốt An Giang thì bánh phồng Sơn Đốc chính là món bánh quen thuộc trên bàn trà, tiệc nước, chuyên dùng để tiếp đãi họ hàng cùng bà con láng giềng vào những dịp lễ hay cưới hỏi. Càng về sau này, món bánh phồng Sơn Đốc đã được biết đến rộng rãi hơn cũng như xuất hiện nhiều lên trong cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.
Từng chiếc bánh mềm có hình dáng tròn trịa và mỏng nhẹ nhưng khi nướng lên trên bếp than lại sở hữu vị béo ngậy. Khi cắn vào một miếng, chiếc bánh tươm ra vị giòn ngọt cùng với hương thơm đặc trưng của bột xay khéo tay, của hương nắng phơi thơm lừng, cốt dừa beo béo và ít mè bùi bùi ngon miệng. Chiếc bánh phồng Sơn Đốc nướng ăn ngon nhất khi được thưởng thức cùng một vài tách trà. Bởi vì chính vị đắng của trà sẽ giúp bạn cảm nhận rõ rệt hơn hương vị bùi béo ngọt thơm của món ăn và cân bằng lại vị giác.
Dù mới nhìn bề ngoài, thực khách cảm thấy chiếc bánh phồng nhìn sơ qua dường như không có gì đặc biệt hay đáng nhớ nhưng chỉ ngay khi ăn vào bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị thơm ngon và đặc trưng đến từ món ngon Bến Tre độc đáo này đấy.
Cách chế biến bánh phồng Sơn Đốc
Cũng giống như bánh ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hay bánh bò thốt An Giang, để làm ra một chiếc bánh phồng ngon thì lựa chọn nguyên liệu, phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Cụ thể là phải gồm nếp sáp, dẻo thơm, phần nước cốt phải được lấy từ những quả dừa vừa mới khô từ các vườn dừa ngon nức tiếng của tỉnh Bên Tre. Sau đó, qua những bàn tay khéo kéo, gạo nếp được ngâm trong vài tiếng rồi vo sạch để mang hấp cách thủy cho tới khi chín.
Khi nếp vừa chín sẽ được đổ vào cối để giã thật nhuyễn cùng với đường cát và nước cốt dừa để cho ra thành phẩm bột mới nhanh dẻo. Bột giã xong thì nặn thành từng viên nhỏ rồi đem đi cán mỏng thật đều tay sao cho tròn đều và đẹp. Bước tiếp theo là mang bánh đi phơi dưới ánh nắng vừa đủ sao cho bánh khô đúng chuẩn mà không bị chai. Bánh khô xong cần được mang đi quạt cho nguội để đóng gói. Ngày nay, bánh phồng Sơn Đốc hầu hết được cán bằng máy để cho ra những chiếc bánh đều, đẹp hơn. Tuy nhiên, chỉ có bước cán bột được làm bằng máy, và hầu hết các công đoạn khác đều làm bằng tay nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng và nét đẹp truyền thống riêng có của từng chiếc bánh phồng Sơn Đốc.
Bánh phồng cùng làng nghề bánh phồng Sơn Đốc chính là niềm tự hào của mảnh đất Bến Tre. Một thế kỷ trôi qua với nhiều sự thay đổi và hiện đại hóa trong cách thức chế biến bánh nhưng bánh phồng Sơn Đốc vẫn là đặc sản miền Tây không lẫn với bất kỳ món ăn nào khác, nhất là trong lòng du khách và những người con xứ cù lao dừa.
Nếu đang có kế hoạch ghé thăm các địa điểm du lịch Bến Tre, hãy hãy dành thêm thời gian đến làng Sơn Đốc để được tận mắt chứng kiến quá trình làm ra từng chiếc bánh phồng đặc sản và thưởng thức ngay tại chỗ.
Du khách cũng có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè để người thân thiết của mình được thử món ăn vừa thơm ngon, béo ngậy vừa đủ không gây ngấy vừa chứa đựng tấm lòng, tâm huyết với nghề làm bánh thủ công và cái tình của mỗi người thợ khéo tay đất Hưng Nhượng, Mỏ Cày Bến Tre nhé.
Theo luhanhVietNam.com.vn
Ảnh: Internet