Cốm hộc Phan Thiết là loại đặc sản dân dã vừa ngon vừa rẻ. Cốm được làm từ gạo nếp nở trộn cùng đường sên và dứa, gừng. Bất cứ ai du lịch cũng muốn mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Du lịch Phan Thiết mua cốm hộc làm quà
Có thể nói, Mũi Né là một trong những địa chỉ góp phần không nhỏ trong bản đồ ẩm thực Việt Nam. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp thơ mộng của biển xanh nắng vàng, mà còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản độc lạ. Ngoài những món ăn cao sang, cầu kỳ thì Phan Thiết cũng có nhiều món ăn dân dã, vừa ngon vừa rẻ, trong đó có cốm hộc – một loại đặc sản rất đặc trưng của vùng biển Phan Thiết.
Tuy đơn giản, mộc mạc nhưng cốm hộc vẫn khiến bao người đi xa phải nhớ, khiến thực khách ăn một lần còn nhớ mãi. Từng lát cốm trắng vàng bắt mắt xen lẫn vài miếng dứa và gừng trông thật hấp dẫn. Cắn một miếng cốm, nhai chầm chậm để cảm nhận vị ngọt bùi của từng hạt cốm, vị chua chua, cay cay lại thơm ngậy của gừng và dứa. Trời mưa, được nhâm nhi vài hộc cốm cùng chén trà xanh thì còn gì bằng.
Ở Phan Thiết, hộc cốm thường được làm vào những ngày xuân. Vì vậy cứ nhìn thấy cốm là như thấy mùa xuân về. Những người xa xứ mỗi lần xa quê cũng không mang theo một ít cốm hộc để làm quà hoặc thỉnh thoảng nhâm nhi để nhớ về hương vị quê nhà. Nghề làm cốm hộc đã từng bị mai một nhưng nay đã được khôi phục lại.
Các công đoạn làm cốm hộc Phan Thiết
Công đoạn sên cốm
Nguyên liệu làm cốm hộc không quá phức tạp. Cốm được làm từ gạo nếp, sau khi rang sẽ nở bung ra nên còn gọi là nổ. Nổ có thể tự làm, hoặc mua sẵn ở ngoài rất tiện và đỡ được một công đoạn. Để làm thành hộc cốm thì cần trộn nở với nước đường theo tỷ lệ: 10 kg đường với 2 chén nước và 8kg nổ.
Gừng bóc vỏ rửa sạch thái lát hoặc thái sợi mỏng, dứa gọt vỏ bỏ mắt và cắt hạt lựu.Cho đường và nước vào nồi đun nóng. Khi nào đường nước đường kéo lên thành sợi là được. Vắt một quả chanh vào khuấy đều, vừa giúp nước đường thơm hơn, vừa không bị lại đường. Đổ hỗn hợp dứa và gừng vào nồi nước đường rồi đảo đều, nhắc xuống để nguội. Sau khi nước đường nguội hẳn thì đổ ra thau đựng sẵn nổ. Trộn đều tay khoảng 20-30 phút để các thành phần quyện đều vào nhau. Trộn càng đều thì khi ăn sẽ càng ngon.
Công đoạn đóng hộc cốm
Sau khi trộn cốm xong thì đến công đoạn đóng cốm. Cốm được đóng bằng khung gỗ vuông 3 mặt và một nắp đậy rời. Sau khi cho cốm vào đầy hộc, dùng nắp đậy đè chặt cốm xuống để cốm thành khuôn. Sau đó đổ cốm ra, dùng dao cắt lại các góc cho miếng cốm được vuông vức. Lúc này cốm trông như các hộc nên còn được gọi là cốm hộc.
Công đoạn phơi cốm và đóng thành phẩm
Cốm sau khi được tạo thành những khối vuông vức sẽ được đem phơi nắng từ 1-2 ngày cho thật khô. Như vậy cốm sẽ bảo quản được lâu hơn. Lúc phơi, người ta sẽ phủ tấm vải màn lên trên cốm để tránh bụi bặm.
Cốm đã phơi khô sẽ đến công đoạn cuối cùng là đóng gói. Từng hộc cốm được gói vuông vức trong những túi bóng kính hoặc giấy màu với những màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Phía ngoài giấy gói còn được trang trí bằng những chiếc nơ, giống như nơ gói quà giúp gói cốm đẹp mắt hơn, rất thích hợp để mang đi làm quà biếu hay bày lên bàn thờ.
Cốm hộc Phan Thiết có thể bảo quản được từ 1-3 tháng. Khi ăn dùng dao cắt thành từng miếng dài nhỏ, nhâm nhi cùng trà nóng. Khi bóc cốm ra ăn, hương vị vẫn thơm ngon như khi mới ra lò.
Địa chỉ mua cốm hộc Phan Thiết
Khi đến Phan Thiết du lịch, du khách có thể tìm mua cốm hộc trong các gian hàng của chợ Phan Thiết. Giá của mỗi hộc cốm cũng khá rẻ. Du khách có thể mua về làm quà hoặc nhâm nhi dọc đường đi.
Nếu muốn tự tay làm cốm, du khách có thể mua nổ được rang sẵn. Giá chỉ từ 7000 đồng – 10.000 đồng/kg. Sau khi mua nổ về, chỉ việc sên với nước đường rồi đóng gói ăn dần, rất tiện lợi.