Trái với những nhận định tích cực về sự phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian đầu mở cửa trở lại thì thông tin Việt Nam đứng top cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau Covid - 19 khiến nhiều người không khỏi thất vọng và đặt câu hỏi tại sao?
Cụ thể, theo thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, kém xa so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD. Trong khi đó Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra.
Vì đâu Việt Nam từ một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3) nhờ triển khai thành công chương trình vaccine Covid-19 lại có tốc độ phục hồi chậm như vậy. Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia,cấp quản lý và người dân nhận định đều nằm ở các chính sách du lịch chưa hợp lý, chất lượng dịch vụ cũng như khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.
Thủ tục visa còn nhiều bất cập
Việt Nam mở cửa du lịch trở lại với mục tiêu đón khách du lịch quốc tế nhưng lại không có sự đổi mới trong các chính sách visa để phù hợp với tình hình thực tế cũng như tạo điều kiện cho du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Hiện Việt Nam miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, Trong khi đó, Thái Lan đang miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. Không những thế cơ chế thủ tục xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam còn khá cứng nhắc, yêu cầu phải có công ty bảo lãnh hoặc qua đại lý cấp thị thực với phí thường rất cao, khoảng 200-500 USD, trong khi chi phí chính thức là 25 USD.
Rõ ràng rằng đi du lịch là để thoải mái nghỉ ngơi, trải nghiệm, do đó nếu để các loại thủ tục làm phiền hà du khách thì hẳn họ sẽ tìm kiếm những lựa chọn khác tốt hơn.
Chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao
Việt Nam hiện chưa có nhiều hoạt động du lịch có thể níu chân du khách trở lại, các địa điểm du lịch tập trung vào xây dựng khách sạn, chưa để ý đến tìm tòi phát triển các sản phẩm mới lạ khiến du khách chịu chi và hài lòng với dịch vụ mình sử dụng. Như các điểm du lịch nổi tiếng Hạ Long, Nha Trang, Hội An còn yếu các hoạt động về đêm hoặc nếu có cũng chưa đủ thú vị, hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.
Cùng với việc xây dựng các dịch vụ mới phù hợp với tình hình và nhu cầu du khách, ngành du lịch Việt Nam cũng cần đổi mới, cải tiến trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đưa ra những hình ảnh mới, chiến lược hiệu quả, thậm chí thương hiệu du lịch Việt Nam cũng cần thay đổi. Một ví dụ điển hình khi nhắc đến du lịch Thái Lan người ta nghĩ ngay đến khẩu hiệu “Amazing Thailand” hay Malaysia là “Malaysia : Một châu Á đích thực”, trong khi du lịch Việt Nam lại không xây dựng cho mình điểm nhấn riêng biệt nào.
Nhiều du khách quốc tế hay những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cũng chia sẻ rằng họ hầu như không nắm được thông tin về các hoạt động nổi bật sẽ diễn ra tại đây. Chúng ta rõ ràng đang thiếu quy hoạch, chưa có sự bài bản trong xây dựng kế hoạch cho những ngày lễ lớn, những hoạt động thường niên sẽ diễn ra trong năm. Đây chính là một trong những yếu điểm khiến việc tiếp cận thông tin của du khách bị hạn chế.
Cơ sở hạ tầng còn yếu kém
Được nhắc đến đầu tiên chính là hệ thống các sân bay tại Việt Nam. Hiện Việt Nam mới chỉ có 22 cảng hàng không/sân bay, trong khi Thái Lan với dân số nhỏ hơn Việt Nam đang có hơn 60 sân bay, Malaysia có 66 sân bay, Philippines có 70 sân bay còn Indonesia ghi nhận có ít nhất 683 sân bay. Chưa kể hầu hết các sân bay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn ở trong tình trạng quá tải, nhiều thiết bị, trang bị còn thiếu chuyên nghiệp. Tiếp theo phải kể đến là các phương tiện giao thông vận tải chưa được đầu tư và thiếu sự đồng bộ. Phương tiện phục vụ du lịch như taxi, xe khách hoạt động đơn lẻ và không có sự chuyên nghiệp về cả phương tiện và con người.
Vấn đề quản lý chất thải chưa được quan tâm
Đến bất kỳ một địa điểm du lịch nào tại Việt nam đều bắt gặp rất nhiều rác thải, việc xả rác thải phần nhiều do ý thức nhưng để khắc phục tình trạng này và thay đổi nhận thức du khách thì cần có sự quản lý từ các cấp chính quyền, các địa điểm du lịch.
Nhiều khách du lịch phản ánh tại các điểm du lịch để tìm kiếm được thùng rác không phải dễ, hoặc có thì cũng rất mất vệ sinh do không được dọn dẹp khử mùi thường xuyên.
Nhân lực và hệ thống đào tạo nhân lực còn hạn chế
Theo thống kê ngành trong giai đoạn Covid-19 có khoảng 2 triệunhân sự ngành du lịch bị mất việc, tuy nhiên trên thực tế số người rời bỏ ngành du lịch - khách sạn- nhà hàng không chỉ do Covid mà còn vì những nguyên nhân khác như: Môi trường làm việc không được cải thiện, các chính sách lương thưởng chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Hiện tại, các khách sạn, nhà hàng trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là thiếu hụt trầm trọng nhân sự lành nghề, có chuyên môn.
Bên cạnh đó chương trình đào tạo chuyên ngành du lịch tại Việt Nam đã rất cũ cần có sự đổi mới phù hợp hơn. Trong khi xu hướng du lịch, nhu cầu của người dùng ngày một thay đổi, công nghệ số cập nhật liên tục thì các trường đại học, cao đẳng vẫn còn áp dụng chương trình đào tạo của tận 30 - 40 năm trước. Đây hẳn là rào cản không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn đối với tương lai ngành du lịch nhiều năm tới.
Theo Hoteljob.vn