Chắc hẳn bạn đã nghe tên bánh gai ở miền Bắc, nhưng cũng đừng bỏ lỡ đặc sản bánh gai Tứ Trụ đặc biệt thơm ngon xứ Thanh nhé. Bánh gai được làm từ những nguyên liệu quen thuộc nhưng lại mang vị ngon riêng mà hiếm nơi nào có được.
Bánh gai Tứ Trụ – đặc sản đất Thọ Xuân
Sở dĩ bánh gai có tên gọi là bánh gai Tứ Trụ bởi bánh được làm bởi người dân Mía, xã Tứ Trụ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nơi đây gắn liền với các chiến công lịch sử của ông cha ta. Mỗi chiếc bánh gai là sự khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn của người dân nơi đây. Trước đây bánh được làm và được dùng trong các dịp lễ hội, ngày Tết hoặc ngày giỗ của các vị thành hoàng… Hiện nay người dân ở đây vẫn lưu giữ những vẻ đẹp xưa và công thức gia truyền làm bánh gai Tứ Trụ.
Nguyên liệu tạo nên món đặc sản
Nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên món bánh gai chính là lá gai. Lá gai được trồng bên bờ sông Chu. Khi thu hái về, lá gai được tước bỏ cuống, đem phơi khô sau đó đem ngâm nước rửa sạch rồi đem luộc thật kỹ. Cứ thế luộc kĩ rồi lại vớt ra rửa sạch khoảng 24 giờ. Sau đó vắt kiệt nước rồi đem giã thật nhuyễn cho đến khi thật mềm mịn. Ngầy nay người ta thường xay bằng máy để giảm bớt công giã lá gai.
Nguyên liệu không thể thiếu chính là gạo nếp. Trước đây gạo được xay bằng cối đá, sau đó được lọc lấy phần thật mịn. Gạo nếp thường dùng chính là nếp hoa cau hoặc gạo nếp nương.
Tiếp đến phần nhân bánh chính là làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường và thịt lợn nạc. Đậu xanh chọn loại hạt vàng, chắc sau đó ngâm rồi nấu hoặc đồ cho chín, trộn thêm đường và giã mịn. Sau đó náu nhân bánh có thịt nạc, một chút dầu chuối để dậy lên mùi thơm. Thêm một chút dừa tươi nạo sợi mỏng để bánh thơm ngon hơn.
Cách làm bánh gai Tứ Trụ gia truyền
Người dân làng Mía thường sử dụng mật nguội, không quá loãng để làm bánh. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, tiến hành gói bánh. Bột bánh được nặn tròn, sau đó dàn mỏng lên lòng bàn tay, cho nhân đậu xanh đã được nấu chín trước đó vào phẩn vỏ bánh rồi vê bánh lại cho tròn đều. Rắc thêm chút vừng và gói lại bằng lá chuối khô và buộc lạt ngang thân bánh.
Công đoạn hấp (đồ) bánh rất công phu. Xếp bánh vào chõ sau đó đồ lên, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào số lượng bánh. Sau khi bánh chín thì lấy bánh ra rổ, để bánh nguội và ráo nước là thưởng thức được. Sau khi bánh nguội thì được gói 5 chiếc lại với nhau. Những chiếc bánh gai giống như những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người nghệ nhân làm bánh nơi đây.
Thưởng thức bánh gai
Thưởng thức bánh gai cũng cần sành điệu. Từng lớp lá bánh bóc ra ta thấy bánh có màu đen, nhân bánh vàng ươm, thơm dẻo. Bánh gai thành phẩm khi nguội bánh mềm, mịn và dẻo thơm của vỏ bánh, nhân bánh thơm mùi đậu xanh, mùi dừa và dầu chuối, vị ngọt dịu của mật mía, vị béo của thịt, vị thơm bùi của vừng và mùi thơm của lá chuối khô hòa quyện vào nhau trong một chiếc bánh.
Bánh gai Tứ Trụ được làm từ những sự tỉ mỉ, cẩn thận của những người dân làng Mía. Những chiếc bánh mang tâm tình của người dân nơi đây. Bánh dẻo thơm cũng giống như tấm lòng thơm thảo của con người Thanh Hóa. Nếu có dịp ghé xứ Thanh, bạn đừng quên thưởng thức món bánh gai Tứ Trụ và đừng quên mua về làm quà để mọi người cùng nhau thưởng thức nhé!
Theo Poliva