Tuyên Quang không phải là mảnh đất quá nổi tiếng về ẩm thực như cái cách mà người ta nhớ đến Huế, Đà Nẵng, Hà Nội hay miền Tây sông nước. Nhưng lẽ thường hay có nhiều bất ngờ, du khách “lạc” đến đây nếu trót thử qua vài món thì nếu không say cũng phải mê đến vài phần. Đó là những món ăn mộc mạc, thấp thoáng bóng hình của rừng núi, những món ăn khó lòng tìm thấy khi trở về miền xuôi hoặc nếu có cũng cảm thấy không hấp dẫn bằng việc ngồi giữa cảnh hoang sơ của thiên nhiên và thưởng thức chúng.
Bánh nếp trứng kiến có thể xem là món ăn nổi bật nhất trong ẩm thực Tuyên Quang
Cơm lam Tuyên Quang
Nếu cho rằng cơm lam ngon nhất là ở Tuyên Quang hay cơm lam là đặc sản nổi tiếng nhất Tuyên Quang thì e là có phần… bất công cho cơm lam ở các vùng khác và cả những món khác ở xứ Tuyên. Thế nhưng bạn cũng không nên bỏ lỡ món ăn này bởi lẽ người dân nơi đây vẫn xem cơm lam như một món ăn quan trọng không thể thiếu vào những dịp quan trọng, đãi khách hay làm quà.
Cơm lam được vo từ những hạt gạo chắc, trắng ngần với nước suối tự nhiên, đựng trong những ống tre, nứa rồi nướng trên bếp cho đến khi cơm chín. Tách ống tre ra, nhai thử một miếng mới cảm thấy chừng như cái ngọt, cái thanh của tất cả tre rừng, của suối, của gạo và cả cái mùi khói đặc sệt đang quyện vào nhau và hội tụ cả trong một miếng cơm này.
Đừng bỏ qua cảm giác ngồi bên bếp lửa hồng, nhâm nhi những hạt gạo dẻo thơm từ nứa, tre
Măng chua của người Tày vùng Chiêm Hóa
Chua là vị đặc trưng nhất của người Tày và măng chua được xem là món ngon “nhức nhối”. Họ tận dụng mọi loại măng từ măng tre, măng mai, măng nứa như một ưu đãi của đất trời. Rồi người ta thêm gia vị này một chút, thêm nguyên liệu kia một chút, khi thì xào, lúc thì nấu canh, phơi khô hay nhồi thịt… để tạo thành món ăn dân giã mà ngon khó chối từ.
Trong số đó thì măng chua vẫn là đặc biệt nhất. Măng làm sạch sẽ rồi đem ngâm chua, có khi để được đến cả tháng. Khi ăn có thể nấu canh nhưng muốn đãi khách quý thì phải xào với thịt trâu. Thịt trâu mềm và hơi dai, măng chua có vị chua mạnh nhưng hậu lại khá ngọt. Ăn vài miếng măng chua xào thịt trâu, nhấp môi thêm một chút rượu thì thực sự “say quên lối về”.
Măng là nguồn nguyên liệu mà người dân có thể “biến thiên vạn hóa” với rất nhiều món ngon
Bánh cuốn nóng với nước chấm từ xương heo
Nói về bánh cuốn thì Hà Nội mới xứng danh là đệ nhất. Vậy nhưng bánh cuốn Tuyên Quang vẫn được xếp vào hàng đặc sản vì chén nước chấm vô cùng đặc biệt.
Nước chấm này được làm từ nước ninh xương heo, thêm chanh, ớt, tiêu xay, hạt tiêu và một ít rau mùi thái sợi chỉ thật nhỏ. Về phần bánh cuốn, bánh được tráng mỏng và phải thật nóng, cuộn nhân bên trong là mộc nhĩ và hành phi, thịt thái nhỏ. Phủ lên trên đĩa bánh cuốn khói bốc nghi ngút là hành phi thơm lừng. Bánh ăn kèm thêm với thịt chả nướng vo viên giữa những ngày hơi se se lạnh khiến người ta mê đắm chẳng muốn chối từ.
Bánh nếp trứng kiến
Bánh nếp trứng kiến là một đặc sản quý chỉ có vào mùa xuân. Trứng của loại kiến đen nhưng lại căng mọng và có màu sữa đục, đem xào qua với hành, rau thái nhỏ có vị hơi mằn mặn. Bột nếp nương dẻo, mềm và thơm ôm bọc lấy trứng kiến xào rồi gói trong một lớp lá vả, cuối cùng đem đi hấp.
Trứng kiến không hẳn là quá hiếm nhưng chỉ có theo mùa, ngay cả cách chế biến cũng rất kì công và phải cực kỳ cẩn thận. Chính thì thế, nếu ghé thăm xứ Tuyên vào những ngày mùa xuân và có cơ hội để thưởng thức qua món ăn này, nhất định đừng nên bỏ lỡ, bạn nhé!
Tuyên Quang vẫn còn rất nhiều món ăn ngon khác như một nhà thơ đã từng viết:
Món ăn anh thích loại nào?
Bánh gai Chiêm Hóa đẫm màu quê hương
Sông Lô gỏi cá nằm nương
Rượu ngô, bánh khải… ai nhường nhịn ai?
Kỳ thực mà nói đến một vùng đất nào cũng vậy, có rất nhiều món ăn ngon để chúng ta khám phá. Phải đến tận nơi, gặp chính những người gắn bó sâu đậm với quê hương, nhìn họ chế biến và thú vị hơn là tâm tình về những món ăn thì mới thấm, mới thấy ngon hơn nhiều lần.
Theo beptruong.edu.vn