Người dân Kon Tum thường nói rằng, tới Kon Tom mà chưa thử đặc sản gỏi lá thì không nên về. Có lẽ bởi vì món ăn ‘lạ miệng’ này mang theo một chất rất ‘núi’ của vùng đất Tây Nguyên với một mâm đầy rau lá rất đặc trưng.
Sự đặc biệt của gỏi lá Kon Tum
Theo lời kể của người bản địa thì món ăn này đã có tại Kon Tum cách đây khoảng chừng 20-25 năm. Khi ấy, họ cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số thường hay vào rừng hái lá thay cơm khi lên nương. Đúng y như cái tên của nó, món gỏi đặc biệt này chỉ toàn là lá mà thôi. Trong một mâm thường sẽ có đến 40-50 loại lá khác nhau. Bao gồm các loại rau quen thuộc với mọi người như lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, húng… Đặc biệt hơn, một số loại chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi…
Khi thử món ăn ‘lạ lùng’ này, ngay cả việc chọn từng chiếc lá thơm, lấy thức ăn ăn kèm hay thậm chí là khi cuốn gỏi cũng đều phải sử dụng đôi bàn tay làm thật tỉ mỉ và thủ công thì mới đúng kiểu.
Đằng sau một món gỏi ngon là những nguyên liệu đắt giá
Nguyên liệu của món ăn này chủ yếu là lá rừng, thậm chí nhiều loại lá chỉ có ở Tây Nguyên. Do đó, những người hái lượm cần phải vào rừng từ sáng sớm, vặt lấy từng loại lá đặc biệt. Đi theo những người nơi đây, chúng ta mới có thể hiểu được hết tất sự mệt mỏi và đặc biệt là sự nguy hiểm khi len lỏi trong rừng, chui vào từng bụi cây để hái lá – thứ nguyên liệu quan trọng không thể thiếu.
Điều đặc biệt đó chính là cần thưởng thức món gỏi lá theo mùa. Khi lập Xuân, hoa cỏ phát triển nhất thì người ta mới có thể lấy đủ tổng cộng là 56 loại lá khác nhau trong mâm gỏi. Trong khi đó thì các mùa còn lại chỉ có nhiều nhất khoảng 30-40 loại lá rừng mà thôi.
Sự cầu kì của món ăn
Công đoạn len lỏi vào các cánh rừng hái từng chiếc lá đã rất vất vả. Việc chuẩn bị thức ăn ăn kèm cũng tỉ mỉ và khó khăn không hề kém cạnh. Món gỏi lá này thường được ăn kèm với thịt ba chỉ – cần được thái thật mỏng, sao cho mỡ và thịt cân đối và không gây ngấy cho người ăn. Ngoài ra, còn có thể ăn kèm với tôm đất rang vàng khô. Bì heo thậm chí còn được đặc chế vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận khi được thái sợi trộn với riềng giã mịn và nhiều loại gia vị khác nữa. Khi thưởng thức gỏi lá, cần phải có thêm một đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên – loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan.
Điểm đặc biệt nữa khiến món gỏi này trở nên đặc biệt có lẽ chính là đồ chấm. Không nên thưởng thức món gỏi này bằng mắm hay những loại nước tương thông thường. Loại nước chấm này thường được đặc chế từ hèm rượu, khi mới nhìn qua thì trông như cháo đặc và thường có màu vàng nghệ.
Công đoạn chuẩn bị và làm nước chấm dành riêng cho món gỏi lá Kon Tum này cũng công phu y như khi hái lá rừng. Đó chính là việc để gạo nếp lên men. Khi bắt đầu có mùi thơm thì cần đem đi ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, rồi sau đó xay nhuyễn các thứ ra. Phi hành khô cho thật vàng giòn rồi cho hỗn hợp trên vào. Tiếp đó, cần thêm mẻ, sa tế, gia vị và đảo đều tay, đun lửa liu riu rồi nêm nếm cho vừa ăn.
Thưởng thức gỏi lá như nào cho chuẩn?
Để thưởng thức món gỏi lá Kon Tum, cũng yêu cầu những công đoạn cầu kỳ không kém.
Trước tiên, thực khách cần phải chọn một lá có bản to như lá cải hoặc lá mơ lông bao bên ngoài. Tiếp sau đó chọn lá non xếp vào bên trong, khi thấy vừa một cuốn gỏi thì xoáy gấp cuốn lá thành hình phễu. Sau đó, cho thêm một lát thịt heo, một miếng tôm, một sợi bì vào bên trên. Nhớ là phải bỏ thêm một hạt muối hạt, một hạt tiêu nữa mới đủ vị. Còn ớt chỉ thiên thì nên ăn riêng nếu ai thích vị thơm cay nồng của nó.
Nếu đã hoàn thành công đoạn cuốn gỏi thì chan một thìa nước chấm rải đều lên trên ‘phễu’ rồi cho toàn bộ cuốn gỏi vào miệng.
Các địa điểm ăn gỏi lá Kon Tum
- Gỏi lá út cưng – 45 Trần Cao Vân, Thống Nhất, Kon Tum
- Gỏi lá sức sống mới – 21 Trần Cao Vân, Thống Nhất, Kon Tum
- Gỏi lá Kon Tum – 31 Trần Cao Vân, Thống Nhất, Kon Tum
- Quán Yến Vy – 43 Trần Cao Vân, Thống Nhất, Kon Tum
Nếu có dịp đặt chân đến Tây Nguyên, ghé Kon Tum tham quan thưởng ngoạn, hãy tìm đến đường Trần Cao Vân, hai bên đường sẽ có rất nhiều quán gỏi lá cho các bạn thỏa thích lựa chọn