Nhắc đến những biểu tượng của mùa thu Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến cốm.
Hà Nội mùa này gió heo may nhè nhẹ mang theo vô vàn hương vị thân thương của mùa thu. Có một thứ hương thơm đặc trưng của đất Hà Thành mà Thạch Lam đã từng ví như: "Một thứ quà của lúa non" trong cuốn "Hà Nội 36 Phố Phường". Đó chính là cốm.
Khi nhắc đến quà Hà Nội, người dân thủ đô sẽ tự hào kể đến cốm làng Vòng, một làng nhỏ ven đô thuộc huyện Từ Liêm xưa, nay là Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cốm Làng Vòng nổi tiếng xa gần với màu xanh mát như ngọc, hạt dẻo, vị ngọt và đượm mùi thơm của sữa lúa nếp non, không bị ngăm. Vào mùa Trung Thu, khi mùa cốm đến, cả làng Vòng lại vang lên tiếng chày giã cốm rộn rã như ngày hội.
Để có mẻ cốm ngon, người làm lựa những bông lúa nếp non vừa đến độ căng mẩy, hạt thóc ngậm sữa bên trong lớp vỏ trấu màu xanh. Bông lúa đem giã, sàng chấu, rang, giã... Cuối cùng ra lò mẻ cốm dẻo như xôi, chứa bao công sức của người làm.
Cốm làng Vòng chuẩn được gói trong hai lớp lá: một lớp lá ráy giữ cho cốm không bị khô và để được lâu hơn, lớp lá sen bao bên ngoài như để nhấn nhá hương phảng phất. Gói cốm buộc bằng lạt mềm làm từ thân cây lúa đã tuốt hết, đôi khi vương lại vài hạt lép.
Ăn cốm tươi đúng kiểu là phải nhẹ nhàng dùng 5 đầu ngón tay nhón một ít rồi bỏ vào miệng, từ từ thưởng thức và thẩm từng chút, từng chút một hương vị thanh tao của làng quê Việt. Có một thứ quả mà khi ăn kèm với cốm tươi là chuối tiêu trứng cuốc. Đó trái chuối tiêu chín tự nhiên lốm đốm ở vỏ như quả trứng của chim cuốc.
Cốm mộc còn có thể chế biến được rất nhiều món như chè cốm, bánh cốm, xôi cốm, chả cốm hay cốm xào... để ăn chơi. Mỗi món đều hương vị riêng nhưng chỉ để thưởng thức cho biết, bởi cốm tươi trải qua nấu nướng, chế biến ít nhiều cũng mất đi hương vị mộc mạc vốn có.
Những ngày Hà Nội bắt đầu vào thu, trên mỗi con phố nồng nàn mùi hoa sữa, phảng phất hương vị đất trời giữa thời khắc giao mùa. Khu phố tập trung nhiều điểm bán cốm nhất phải kể tới Lý Quốc Sư, Nhà Chung... phía trước Nhà Thờ Lớn.