Cơm tấm Sài Gòn – Món ăn “nổi danh thiên hạ” vì lý do gì?
admin | Đăng lúc 9:00 - 10/03/2022

Nếu như Hà Nội có phở Hà Nội lừng lẫy danh tiếng thì Sài Gòn cũng có cơm tấm Sài Gòn danh bất hư truyền. Đây là món ăn quen thuộc với người dân và cũng “hút hồn” rất nhiều thực khách tứ phương.

 

Tìm hiểu chung về cơm tấm

Cơm tấm là gì?

Cơm tấm được nấu từ gạo tấm – hạt gạo đã bị bể nhỏ. Gạo tấm thời xưa chính là những hạt gạo bị bể trong quá trình xay xát gạo và nó được xem là phế phẩm. Gạo tấm thường chỉ dùng để nuôi gà, nuôi heo.

Cơm tấm xuất hiện khi miền Tây nước dâng mấy tháng liền. Không thể trồng trọt, chăn nuôi, gạo tích trữ dần vơi, cạn. Vì thế, người dân không còn cách nào khác đành lôi gạo tấm ra để nấu ăn thử. Thấy ngon nên duy trì món cơm tấm cho đến tận ngày hôm nay.

Sức “lan tỏa” của cơm tấm

Thời xưa, cơm tấm chỉ là món ăn dành cho người nghèo, người lao động chân tay. Những người cắt lúa, vác lúa, làm đồng xa… thường nấu cơm tấm để ăn cho chắc bụng, no lâu, lại có sức làm việc.

Cơm tấm thời xưa là món ăn chỉ dành cho những người nghèo

Rồi đến khoảng thời gian người Pháp đến Sài Gòn nhiều hơn, lục tỉnh phát triển, xe đò, xe lửa hoạt động liên tục, đường sá hàng quán cũng bắt đầu hình thành theo từng lộ xe… Cơm tấm cũng dần dần được ưa chuộng và bán rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, để phù hợp với những người tầng lớp cao hơn và văn minh hơn thì cơm tấm được bày vào đĩa và dũng dĩa để ăn.

Thành phần của cơm tấm Sài Gòn

Ngoài cơm đươc nấu từ gạo tấm là nguyên liệu chính thì còn có thịt nướng (kiểu của người Pháp), chả chưng (kiểu của người Việt gốc Hoa) và bì thính (kiểu của người Bắc). Sự pha trộn này hoàn toàn phù hợp và tuyệt vời nhưng thứ quyết định chính của món ăn lại chính là sự sáng tạo của người Sài Gòn: nước mắm chua ngọt và mỡ hành.

Ta vẫn thường thấy nước mắm chua ngọt và mỡ hành dùng để ăn kèm bánh hỏi heo quay. Nhưng khi kết hợp với món cơm tấm, nó tạo nên một thể hòa quyện vô cùng đỉnh cao. Độ béo béo của mỡ hành giúp cho hạt cơm tấm thơm, ngậy hơn. Nước mắm chua ngọt lại giúp cân bằng lại món ăn, để người thưởng thức không cảm thấy bị ngán.

Cơm tấm Sài Gòn luôn khiến người thưởng thức phải xao xuyến

Ngày nay, do lượng cầu nhiều nên nguồn cung gạo tấm không đủ nữa. Người ta đành xay gạo ra để dùng thay gạo tấm. Điều này khiến gạo không còn ngon như trước dù cơm sẽ dẻo và thơm hơn.

Cơm tấm giờ cũng đa dạng hơn trước. Không chỉ dừng lại ở cơm sườn bì chả mà còn có thêm trứng ốp la, lạp xưởng, thịt gà, mực, đậu… Ăn kèm là các loại đồ chua, dưa leo, cà chua…

Quán cơm tấm Sài Gòn ngon ở đâu?

Quán cơm Thu Thảo

  • Địa chỉ: 459 – 461 Lê Đại Hành (Vòng Xoay Âu Cơ & Lê Đại Hành), quận 11.
  • Thời gian mở cửa: 9 giờ – 19 giờ
  • Giá bán: từ 35.000 đồng

Đây là quán cơm đã có lịch sử hơn 20 năm. Quán nhỏ, trông có vẻ lụp xụp nhưng vô cùng đông khách.

Quán cơm bà Ròm

  • Địa chỉ: 55 Phan Đình Phùng, phường 17, quận Phú Nhuận
  • Thời gian mở cửa: từ 14h30 – 20h30
  • Giá bán: từ 30.000 đồng
Đĩa cơm đầy ụ tại quán cơm bà Ròm

Đây là quán cơm đầu hẻm 55 Phan Đình Phùng, do vợ chồng bà Ròm mở đã được ngót nghét 30 năm. Ngoài sườn bì chả thì xe cơm của bà còn bán thêm khoảng hơn 10 món khác tùy ngày. Như gà sốt tiêu, cá chiên xả, xíu mại sốt cà, ếch xào… Thế nhưng, 2 món được yêu thích nhất vẫn là sườn và chả mà thôi.

Quán cơm bà Há

  • Địa chỉ: 389 Hưng Phú, quận 8
  • Thời gian mở cửa: 16 giờ – 19 giờ 30
  • Giá bán: từ 20.000 đồng

Quán cơm của bà Há sạch sẽ, thoáng mát và khá đẹp mắt. Các khách đến quán thường gọi theo combo “quen mặt”: chả cá, trứng muối và đùi gà.

Quán cơm Ba Ghiền

  • Địa chỉ: 84 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận
  • Thời gian mở cửa: 7 giờ 30 – 21 giờ 30
  • Giá bán: từ 40.000 đồng – 66.000 đồng

Sườn nướng tại quán được ướp theo công thức gia truyền nên rất thơm ngon, đậm đà. Điểm trừ của quán là khá khói nên hãy chọn ngồi ở bên trong để không bị ám mùi nhé các bạn.

Quán cơm Nguyễn Văn Cừ

  • Địa chỉ: 167 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5
  • Thời gian mở cửa: 6 giờ 30 – 15 giờ
  • Giá bán: khá mắc, từ 120.000 đồng – 140.000 đồng

Đây được xem là quán đắt nhất Sài Gòn nhưng vẫn luôn đông khách. Nhưng thực tế là cái gì cũng có giá của nó. Miếng sườn của quán ” siêu to khổng lồ” nhưng không hề bị khô, rất mềm, đậm đà. Ăn cùng đồ chua, nước chấm “tuyệt đỉnh”, ngó sen, hành tím… quả thực ngon hết sảy.

Sài Gòn thực sự là một vùng đất có ẩm thực vô cùng phong phú. Mặc dù cơm tấm có thể tìm thấy ở bất kỳ thành phố nào trên đất nước Việt Nam. Nhưng như một người bạn đã từng chia sẻ với tôi, cơm tấm chỉ ngon, chỉ đúng chất, đúng vị khi ăn ở Sài Gòn mà thôi.

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll