Chè cốm có công thức nấu rất đặc biệt. Để giữ được màu chè xanh, hương thơm dịu của cốm và vị ngọt thanh của chè, người nấu cần sự khéo léo, tinh tế trong từng công đoạn.
Chè cốm là một trong những món ăn hấp dẫn của ẩm thực Việt. Hương thơm của những hạt lúa non quyện cùng vị ngọt thanh của nước cốt dừa, đường phèn và các nguyên liệu khác tạo nên món chè thơm ngon, bổ dưỡng. Học ngay 5 công thức nấu chè cốm dưới đây để ai cũng phải “trầm trồ” vì món chè do chính tay bạn chế biến nhé!
1. Cách làm chè cốm Hà Nội thơm ngon chuẩn vị
1.1. Cách nấu chè cốm hạt sen
Chè cốm hạt sen bột sắn là một trong những món ăn rất quen thuộc với người Việt. Chè có vị ngậy bùi của những hạt cốm, vị ngọt của nước cốt dừa, vị béo của hạt sen và bột sắn… Món chè mang hương vị của mùa thu Hà Nội rất đáng để thử.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 150g cốm (nên lựa chọn cốm tươi sẽ ngon hơn), 300g hạt sen, 50g bột năng hoặc bột sắn dây, lá dứa, đường cát, muối.
Các bước chế biến món chè:
Bước 1: Sơ chế toàn bộ những nguyên liệu có sẵn
- Cốm tươi chỉ cần rửa qua để sạch bụi bẩn. Còn nếu bạn sử dụng cốm khô thì nên ngâm nước lạnh trước khi chế biến khoảng 10 phút.
- Hạt sen sau khi mua về đem ngâm với nước, sau đó tách bỏ phần tâm sen, nên chần qua với nước sôi để loại bỏ vị đắng.
- Bột năng hoặc bột sắn đem pha loãng với nước. Đường phèn đem đi đun với 20ml nước, khuấy đều đến khi đường tan.
- Lá dứa rửa sạch, cắt thành từng khúc sau đó xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt và bỏ bã.
Bước 2: Nấu chè
- Cho toàn bộ hạt sen vào nồi nước, ninh ở mức lửa vừa đến khi hạt nhừ. Khi hạt sen nở, bạn cho đường vào để sen ngấm. Sau đó, bạn cho phần nước lá dứa đã lọc vào và đun ở mức lửa nhỏ. Khi bắt đầu sôi thì cho cốm vào. Bạn có thể nêm nêm với 1/3 thìa cà phê muối để chè có vị thanh hơn.
- Sau 2 phút, bạn cho tiếp toàn bộ nước đường phèn, bột sắn vào, khuấy đều đến khi chè sánh mịn lại. Lúc này bạn có thể nêm nếm đường tùy theo khẩu vị của gia đình.
Bước 3: Hoàn thiện thành phẩm
- Chè cốm hạt sen có thể ăn nóng hoặc nguội. Đây là món chè rất thơm ngon, bổ dưỡng, bạn có thể ăn kèm với dừa tươi nạo sợi hoặc nước cốt dừa.
1.2. Cách nấu chè cốm đậu xanh
Nếu bạn muốn thử cách nấu chè cốm Hà Nội thì hãy thử ngay món chè cốm đậu xanh. Đây là món ăn rất đặc trưng của thủ đô, công thức thực hiện cũng rất đơn giản.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 100g cốm (nên ưu tiên chọn cốm tươi), 100g đậu xanh tách vỏ, 150g đường, bột năng, nước cốt dừa, vani, đường, muối.
Các bước chế biến món chè:
- Bước 1: 100g đậu xanh hòa với 3 chén nước, sau đó đun sôi, liên tục vớt phần vọt ra ngoài và đun ở mức lửa vừa. Bạn có thể nêm thêm 1 ít muối, khuấy đều đến khi đậu mềm và sánh lại.
- Bước 2: Cho bột năng hòa vào 3 muỗng canh nước rồi trộn đều. Hỗn hợp này đổ vào nồi khi đậu xanh mềm nhừ.
- Bước 3: Trộn cốm với 150g đường cát sau đó tiếp tục cho vào nồi, đun lửa vừa thêm 15 phút đến khi cốm mềm.
- Bước 4: Cho 1 ít vani vào nồi để tạo mùi thơm. Với những người thích ăn béo có thể cho thêm nước cốt dừa khi thưởng thức. Đây là cách nấu chè cốm không cần lá dứa mà bạn có thể dễ dàng thực hành.
1.3. Cách nấu chè cốm bưởi lá dứa
Sự kết hợp của cốm, bưởi và lá dứa tạo nên món chè rất đặc biệt. Món ăn này phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau, vì vậy bạn có thể thực hành chế biến cho cả gia đình.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Khoảng 200g vỏ bưởi (nếu thích ăn nguyên liệu này có thể cho nhiều hơn)
- 100g cốm tươi xanh (có thể dùng cốm khô)
- 200ml nước cốt lá dứa
- 200ml nước cốt dừa
- 100ml nước dão dừa (tức là nước cốt dừa lấy lần hai)
- 300g đường
- 180g bột năng
- 150g muối hột
- Lá dứa (khoảng 5 lá)
Các bước chế biến món chè:
Bước 1: Sơ chế phần cùi bưởi
- Vỏ bưởi sau khi rửa sạch, cắt bỏ phần vỏ xanh bên ngoài, lấu lớp vỏ trắng và cắt thành hạt lựu nhỏ.
- Đun một nồi nước sôi hòa với 150g muối, sau đó chần cùi bưởi qua khoảng 3 phút rồi vớt ra cho vào thau nước lạnh. Bóp chặt phần cùi bưởi để ra hết chất đắng.
Bước 2: Làm thạch từ cùi bưởi
- Lấy nước cốt lá dứa hòa với 20g bột năng, 60g đường, sau đó cho cùi bưởi vào ngâm khoản 10 phút, sau đó vớt ra để ráo nước.
- Sau đó trộn đều cùi bưởi với 100g bột năng rồi luộc đến khi cùi bưởi trong là chín. Vớt ra bát nước lạnh sau đó tiếp tục vớt cùi bưởi ra, ướp với 40g đường.
Bước 3: Nấu chè
- Nấu 1 lít nước kèm 5 lá dứa đun sôi. Khi nước sôi, lấy toàn bộ lá dứa ra, sau đó cho thêm 200g đường, cho tiếp phần bột năng đã pha lang vào. Vừa đổ vừa khuấy đều để có độ sánh mịn.
- Tiếp tục cho 100g cốm xanh vào rồi tắt bếp. Khi chè ấm ở mức 50 độ thì bạn cho toàn bộ cùi bưởi đã sơ chế vào là hoàn tất.
1.4. Cách nấu chè cốm khoai môn
Món chè từ cốm tươi và khoai môn có vị bùi bùi, thơm thơm. So với chè cốm thập cẩm hay chè cốm đỗ xanh thì món chè từ khoai môn có công thức dễ làm hơn. Cùng tìm hiểu cách làm dưới đây:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 củ khoai môn, 150g cốm, đường phèn, 1 củ gừng, 2 lá dứa, cơm dừa, 1 thìa bột sắn.
Các bước chế biến món chè:
- Bước 1: Lá dứa mua về rửa sạch, cắt thành từng khúc rồi xay để lọc lấy nước, bỏ bã. Sau đó đun nước cốt lá dứa sôi thì cho cốm vào.
- Bước 2: Khoai môn rửa sạch, cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn, sau đó đem đi hấp chín. Khi chín, tẩm khoai với đường khoảng 5 phút. Vì khoai chín rất nhanh nên bạn để đến khi chín tới có thể tắt bếp.
- Bước 3: Cho toàn bộ khoai vào nồi chè cốm đang sôi. Hòa bột sắn với một ít nước sau đó đổ từ từ vào nồi chè và liên tục khuấy đều.
- Bước 4: Múc chè ra bát và thưởng thức cùng dừa tươi nạo sợi, có thể ăn kèm với nước cốt dừa. Chè cốm khoai môn có thể ăn nóng hoặc thưởng thức cùng với đá bào cũng rất thơm ngon.
1.5. Cách nấu chè cốm nước cốt dừa
Chè cốm là món ăn quen thuộc với người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Dù có nhiều cách kết hợp khác nhau, tuy nhiên chè cốm nước cốt dừa vẫn được đánh giá là thơm ngon, thanh mát nhất.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 150g cốm tươi (nếu dùng cốm khô phải ngâm trước khi nấu), 40g bột sắn dây, 200g đường phèn, 10 lá dứa, 200ml nước cốt dừa, dừa non thái sợi,…
Các bước chế biến món chè:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu có sẵn
- Cốm tươi bạn chỉ cần rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đối với cốm khô, nên nhặt hết sạn, vỏ trấu, sau đó rửa sạch và ngâm với nước khoảng 10 phút.
- Lá dứa rửa sạch, cuộn chặt và luộc với 1 nồi nước. Sau khi nước sôi, vớt bỏ phần lá dứa ra, cho đường phèn vào nồi và hòa tan.
Bước 2: Chế biến nguyên liệu cốm
- Sau khi đường tan hết trong nồi, bạn cho cốm vào từ từ và liên tục đảo đều. Lúc này nên đun ở mức lửa nhỏ đến khi hạt cốm chín, nở to và có màu xanh.
Bước 3: Kết hợp nguyên liệu
- Hòa bột sắn dây với đường phèn vào một bát nước nhỏ. Sau đó lần lượt đổ từ từ vào chè, khuấy đều đến khi chè có độ sánh. Lúc này bạn chỉ cần cho nước cốt dừa vào là hoàn thiện.
- Chè cốm nước cốt dừa ăn kèm với đá bào sẽ ngon hơn, tuy nhiên, nếu bạn không ăn lạnh thì vị ngon của món chè này cũng đủ hấp dẫn rồi.
2. Một số lưu ý chọn mua cốm ngon khi làm chè cốm
Để có được một bát chè cốm thơm ngon, chuẩn vị, khâu lựa chọn nguyên liệu cốm là hết sức quan trọng. Cụ thể, bạn cần lưu ý một vài thông tin như sau:
- Nên lựa chọn những hạt cốm chắc, dẹt, mỏng
- Cốm ngon khi ngửi sẽ có mùi thơm của lúa non, ăn sẽ có vị ngọt bùi, dai dai
- Không nên mua những loại cốm có màu xanh quá đậm. Bởi vì những sản phẩm này thường bị nhuộm màu, không tốt cho sức khỏe.
- Lựa chọn cốm thật kỹ, tránh những sản phẩm bị ẩm mốc, chảy nhớ. Nếu bạn mua loại đóng gói sẵn thì nên xem kỹ thời hạn sử dụng.
Nếu mùa thu Hà Nội tạo ấn tượng bởi du khách bởi món chè cốm, xôi cốm thì Huế là thủ phủ của những món chè thơm ngon, trong đó có chè cốm lá dứa. Vì vậy, nếu bạn thuộc “team ghiền chè”, đừng quên ghé qua mảnh đất cố đô để thưởng thức những món chè đặc trưng và nhiều món ăn đặc sản khác.
Chè cốm là món ăn mang đậm màu sắc cổ truyền của ẩm thực Việt. Không chỉ thơm ngon, hấp dẫn, món ăn này còn có màu sắc rất bắt mắt, nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi. Hy vọng công thức chế biến 5 món chè cốm đặc trưng sẽ giúp bạn dễ dàng thực hành nấu chè cho cả gia đình cùng thưởng thức!
Theo https://vinpearl.com/