1. Nguyên liệu làm bún mắm nêm thịt luộc
Bún mắm nêm thịt luộc là sự kết hợp hoàn hảo của thịt heo luộc, bún, rau sống và đặc biệt là mắm nêm. Do đó, nguyên liệu cần chuẩn bị khá nhiều nhưng không quá cầu kỳ và rất dễ kiếm.
Các nguyên liệu bạn cần chuẩn bị bao gồm:
– Bún tươi 1/2 kg
– Thịt ba chỉ 1 kg
– Dứa 1/2 quả
– 2 quả ớt
– Tỏi 1 củ
– Sả 2 củ
– Đậu phộng rang
– Mắm nêm 2500 gr
– Muối, bột ngọt, đường
– Rau ăn kèm: xà lách, húng quế, xà lách, tía tô, rau thơm, dưa leo, giá đỗ, đu đủ xanh nạo sợi…
2. Làm bún mắm nêm thịt luộc gia truyền
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Thịt heo: Chọn mua thịt ba chỉ với tỷ lệ mỡ và nạc vừa phải.
+ Phần thịt ngon nhất là phần bụng heo.
+ Sau khi mua về cần dùng muối xát xung quanh miếng thịt để khử hôi.
+ Sau đó rửa lại hai lần với nước sạch rồi để ráo.
– Dứa gai: Khi về nhà bạn chỉ cần rửa sạch với nước, cắt bỏ hai đầu và phần lõi rồi dùng dao cắt thành từng lát nhỏ.
+ Dứa sẽ được dùng để chế mắm nêm, tạo vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng cho bát mắm.
– Sả cắt bỏ lớp bẹ già bên ngoài, rửa sạch rồi cắt đôi, phần gốc sả đập dập.
– Hành khô giữ nguyên vỏ, nướng sơ qua bằng than.
+ Có thể nướng bằng lò vi sóng, lò nướng hoặc cho vào nồi chiên không dầu đều được.
+ Sau đó bạn gọt bỏ vỏ và rửa sạch.
– Tỏi bóc vỏ, cắt khúc nhỏ. Ớt bỏ cuống rồi thái nhỏ.
Bún mắm nêm thịt luộc – Đặc sản vùng quê Trung Bộ
Bước 2: Luộc thịt ba chỉ
Mẹo luộc ba chỉ heo ngon, mềm và ngọt thịt:
– Cho thịt heo vào nồi cùng với 500ml nước lọc, 1/2 thìa muối rồi bắc lên bếp.
+ Khi nước sôi thì cho thịt vào chần qua khoảng 2 phút.
Lưu ý, khi nước sôi mới cho thịt vào chần qua.
+ Muối hạt sẽ giúp loại bỏ tạp chất và khử mùi hôi trong thịt hiệu quả.
+ Khi chần thịt, bạn nhớ không đậy nắp nồi để các tạp chất trong thịt bay hơi.
– Thịt sau khi chần xong, bạn vớt ra, rửa lại một lần nữa để loại bỏ bớt chất bẩn bám trên thịt.
– Sau đó cho thịt vào nồi nước mới cùng sả đập dập và 3-4 củ hành nướng.
+ Sả và hành khô ngâm nước sẽ giúp thịt thơm hơn rất nhiều.
+ Đây là bí kíp tiên quyết để có được mẻ ba chỉ luộc thơm ngon, ngọt vị nhất.
– Để lửa vừa phải và luộc thịt khoảng 20-25 phút tùy kích thước miếng thịt.
+ Dùng que xiên vào miếng thịt, nếu không thấy nước màu hồng chảy ra nghĩa là miếng thịt đã chín.
Mách nhỏ: Để khắc phục tình trạng thịt bị khô, ngay sau khi vớt ra khỏi nồi, bạn nên cho thịt vào bát nước đá và ngâm trong khoảng 2 – 3 phút.
Luộc ba chỉ heo với hành nướng và sả đập dập
Để thịt trắng, mỡ màng, bạn có thể cho thêm giấm hoặc rượu trắng vào luộc cùng thịt. Tuy nhiên, mùi giấm khi luộc sẽ lấn át mùi thơm ngọt của thịt, do đó nếu bạn không quá quan trọng hình thức thì có thể bỏ qua bước này.
3. Bí quyết pha mắm nêm chua ngọt đậm đà
Nước chấm mắm nêm là phần quan trọng nhất trong cách làm bún mắm nêm thịt luộc. Tuy nhiên, cách pha mắm nêm lại không quá cầu kỳ bởi bản chất loại mắm này đã rất dậy hương và đậm vị rồi.
Nguyên liệu pha mắm nêm ăn kèm bún và thịt heo luộc
Cách chế mắm nêm:
– Cho các nguyên liệu gồm: tỏi và dứa đã thái nhỏ và 1/2 số ớt đã băm nhỏ vào máy xay.
+ Đậy nắp lại và xay trong 3 giây cho đến các nguyên liệu được xay nhuyễn và hòa trộn vào nhau thì dừng lại.
– Lấy phần sốt vừa xay trộn với 250gr mắm nêm ngon cùng 2 thìa đường.
+ Khuấy đều cho đến khi đường tan hết là bạn đã nêm gia vị xong rồi đấy!
Thành phẩm bún mắm nêm thịt heo luộc ngon khó cưỡng
Cuối cùng, bạn chỉ cần chuẩn bị một tô bún trắng, sau đó thái mỏng dưa leo rồi cho rau răm đã rửa sạch và thịt heo thái mỏng vào. Chan thêm chút mắm nêm vừa pha, trộn đều và thưởng thức.
Để tăng thêm hương vị cho món bún mắm nêm thịt luộc, bạn có thể rắc một chút động phộng rang giòn cùng một chút đu đủ bào sợi lên trên. Hương vị sẽ ngay lập tức thăng hạng lên một tầm cao mới.
4. Thành phẩm bún mắm nêm thịt luộc ngon trứ danh
Món bún mắm nêm thịt luộc sau khi hoàn thành sẽ có mùi thơm hấp dẫn đặc trưng của mắm nêm hòa cùng chút hành tỏi thơm lừng. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị của các loại rau thơm tươi, giòn quyện với phần thịt heo luộc béo ngọt.
Dư vị đặc biệt nhất chính là phần nước mắm nêm được pha đậm đà nhưng không quá mặn gắt, vị chua chua ngọt ngọt của dứa hòa cùng mùi nồng cay của tỏi ớt cực kỳ hấp dẫn.
Món bún mắm nêm thịt heo luộc ăn hoài không ngán
Rau ăn kèm bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị theo sở thích của bản thân và gia đình. Công đoạn quan trọng nhất là luộc thịt và pha mắm nêm.
– Thịt luộc phải đảm bảo chín vừa tới, thịt mềm và thơm, vị ngọt tự nhiên và không quá khô.
– Mắm nêm cần đảm bảo độ mặn, ngọt, thơm vừa phải, thêm một chút cay tê mang đến những dư vị khó quên cho người thưởng thức.
5. Những người nên kiêng bún với thịt luộc
5.1 Người bị tiêu chảy
Thịt lợn có chứa một lượng chất béo nhất định, thậm chí cả thịt nạc. Chất béo này khiến đường tiêu hóa khó phục hồi hơn. Thêm vào đó, các loại mắm nêm không đảm bảo chất lượng, mắm nêm để qua đêm, bảo quản không tốt cũng khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn.
5.2 Người bị cao huyết áp
Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ là điều cấm kỵ đối với bệnh nhân cao huyết áp. Nó gây áp lực nhiều hơn đến huyết áp và các bệnh tim mạch. Ngoài ra, hàm lượng đạm trong thịt lợn còn làm tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến và nhồi máu cơ tim.
5.3 Người bị sỏi thận
Thịt lợn chứa nhiều protein, tiêu thụ nhiều thực phẩm này sinh ra nhiều chất tạo sỏi thận trong nước tiểu. Nếu dùng món bún mắm nêm thịt luộc này, bạn nên ăn nhiều rau và hạn chế ăn thịt lợn.
5.4 Người máu nhiễm mỡ, béo phì
Những người mắc các bệnh này cũng nên hạn chế ăn các món chế biến từ thịt lợn. Nó cung cấp nhiều chất béo ảnh hưởng lớn đến bệnh tật.
5.5 Người bị bệnh gút
Thịt lợn và mắm nêm là một trong những thực phẩm chứa nhiều chất đạm. Những bệnh nhân gút không nên ăn bún mắm thịt luộc quá 2 lần/tuần để đảm bảo sức khỏe.
Bệnh nhân gút nên hạn chế ăn bún mắm nêm
Nếu như miền Bắc nổi tiếng với đặc sản bún đậu mắm tôm thì miền Trung có bún mắm thịt luộc ngon trứ danh. Món ăn này cực kỳ thích hợp trong những ngày hè nắng nóng. Vị thanh mát của rau tươi cùng vị chua của dứa khiến người thưởng thức có thể ăn hoài mà không ngán.
Theo https://congthucnauan.net/