Từ một món quà sáng dân dã, bún đũa Nam Định cùng phở bò trở thành 1 trong 2 đặc sản của Thành Nam nổi danh khắp cả nước. Những sợi bún trắng ngần kết hợp với thịt, gạch cua, nước lèo đậm đà tạo nên món ăn hút khách gần xa của vùng đất Thành Nam.
Bún đũa trứ danh Thành Nam
Nam Định là một vùng đất có nền ẩm thực cũng vô cùng đặc sắc. Ngoài các món ngon nổi tiếng như: bánh xíu páo, xôi xíu Nam Định, phở bò,... thì bún đũa hay bún sung cũng là một cái tên chinh phục được tất cả mọi lứa tuổi, kể cả những người sành ăn nhất. Đặc sản mà không ai là không biết tới và chỉ nơi đây mới có thể được ăn trọn vẹn.
Tên gọi bún đũa xuất phát từ sợi bún trắng ngần to bằng đầu đũa, giống như sợi bánh canh của miền Nam. Sợi bún đũa mềm hơn nhưng vẫn giữ được độ dai dai chứ không hề bị nhũn có thể để được cả ngày. Tuy không phải là món ăn gì quá cầu kỳ, nhưng với cách nêm nếm bí quyết gia truyền riêng tạo nên hương vị đặc biệt mà chỉ ở Nam Định mới có thể tìm thấy.
Tháng 3/2022, cùng với phở bò thì bún đũa Nam Định cũng được vinh danh trong danh sách “100 món ăn đặc sản Việt Nam 2020 - 2021”. Việc một món ăn bình dị được tôn vinh không chỉ là sự ghi nhận mà còn góp phần quảng bá ẩm thực, văn hóa của vùng đất Thành Nam. Phát huy thêm những giá trị và tuyên truyền cho thế hệ mai sau. Cùng khẳng định vai trò trong việc thu hút thêm khách du lịch gần xa đến nhiều hơn với mảnh đất này.
Ảnh: @jangchan94
Thức quà bình dân nhưng cuốn hút
Vùng đất phố Hiến nổi danh với những món ăn đậm chất bình dị, không cần phải sơn hào hải vị nhưng mang đến sức cuốn hút vô cùng lớn. Bún đũa cũng là một trong những món ăn điển hình như vậy. Món ăn có từ lâu đời, xuất phát từ những quán hàng vỉa hè nhưng đi qua đảm bảo hương thơm cuốn hút khiến ai cũng phải ngoái lại nhìn.
Một tô bún đũa đặc trưng nhất là nước dùng, nó vừa có vị chua chua mà lại ngọt của gạch cua đỏ au tạo nên độ đậm đà và dậy mùi khó cưỡng. Chẳng cần cầu kỳ, thực khách cũng vô cùng đa dạng từ già đến trẻ, từ học sinh đến công nhân, viên chức,... đều yêu thích món ăn này. Nồi nước dùng lúc nào cũng đầy ắp riêu cua, màu vàng của đậu phụ, mỡ phi hành tạo nên màu sắc vô cùng bắt mắt mà bất cứ ai đến du lịch Nam Định đều muốn thử.
Nguyên liệu và cách chế biến bún đũa ở Nam Định
1. Nguyên liệu của món bún đũa
Nguyên liệu để làm nên món bún đũa trứ danh toàn là những thứ dễ tìm, dễ mua nếu muốn làm cũng có thể thử ở nhà. Nguyên liệu bao gồm:
- Sợi bún đũa: bún gia truyền của làng Phong Lộc Tây thuộc phường Cửa Nam, thành phố Nam Định. Nơi sản xuất ra loại bún đũa thơm ngon nức tiếng khắp nơi không chỉ ở thành Nam mà tận Vụ Bản hay vùng Trực Ninh,... mọi người cũng phải cất công đến lấy về. Sợi bún làng nghề này trắng tự nhiên, có độ dai để được lâu nên ai cũng đều rất thích. Nếu không có thì dùng sợi bún khô.
- Tôm khô, thịt lợn xay, cua đồng, cà chua, trứng gà, đậu phụ, hành tây, nước hầm từ xương gà.
- Các loại gia vị: đường, mắm tôm, nước mắm, hành lá, tiêu,...
- Các loại rau: tùy mỗi mùa sẽ sử dụng loại rau phù hợp để đảm bảo độ tươi ngon như: rau muống, rau cải, rau cần, kinh giới, tía tô hay cả rau rút nếu ai ăn được,.... thêm giá đỗ cho thanh mát.
2. Cách chế biến bún đũa Nam Định
Gạch đua sau khi được lấy xong sẽ phi thơm cùng hành tím và cà chua cho dậy mùi. Để chế biến món bún đũa gây “nghiện” theo chuẩn công thức Nam Định thì trước hết tôm khô phải mang đi ngâm nước cho mềm rồi mang đi xay nhuyễn. Nước ngâm tôm không bỏ đi mà để nấu nước dùng. Phần tôm khô cùng với thịt, cua, trứng gà thêm mắm tôm, nước mắm, hạt nêm, tiêu tất cả trộn chung với nhau cho đều.
Khi nồi nước dùng bún đũa gồm các loại: nước hầm xương gà, nước luộc tôm, hành tây và đường phèn được đun sôi thì múc từng miếng thịt cua ở trên cho vào. Quan sát thấy thịt cua nổi lên thì cho tiếp đậu phụ đã rán vào đun thêm chừng 5 phút nữa là tắt bếp, cuối cùng cho gạch cua xào chung với cà chua vào. Đến đây bạn có thể thấy tương tự như nấu các món bún ngon ở Việt Nam khác nhưng khi ăn mới cảm nhận được rõ sự khác biệt.
Bún đũa khi ăn sẽ được cho bún, một chút gạch cua, cà chua, rau đã luộc vào ngâm vào nước đá cho giòn, thêm vài lát chả tùy thích rồi rưới nước dùng nóng hổi. Tô bún đũa bưng ra ngào ngạt mùi hương, màu vàng bắt mắt. Ăn kèm với sung muối chuẩn bài, ai ăn cay có thể thêm chút ớt chưng.
Húp một miếng mọi hương vị hòa quyện và lan tỏa trong miệng đảm bảo bạn sẽ khó mà buông đũa xuống được. Nếu không muốn ăn bún nước bạn cũng có thể gọi bún đũa trộn cũng hấp dẫn không kém. Món ăn giá rẻ chỉ từ 15 - 20 ngàn là đã có một bát bún đũa cua hoặc bún đũa sung no nê.
Ảnh: @thienhuong1988
Địa chỉ ăn bún đũa ngon ở Nam Định
Bún đũa là món ăn thanh nhẹ nên có thể thưởng thức quanh năm 4 mùa. Mỗi khi về đây nếu muốn khám phá hương vị của ẩm thực Nam Định với món bún đũa đúng chất cổ truyền bạn có thể tìm đến những con phố quanh các khu chợ như: phố hàng Đồng, chợ Rồng, chợ Ngõ Ngang,... để ăn và cảm nhận.
Một số quán ăn ngon gợi ý:
- Bún đũa Bà Bảy:
- Địa chỉ: đối diện chợ Hoàng Ngân, thành phố Nam Định, Nam Định.
- Giá từ: 10.000đ - 20.000đ/suất.
- Bún đũa Minh Khai:
- Địa chỉ: 37 Minh Khai (đầu chợ ngõ Ngang), phường Nguyễn Du, thành phố Nam Đinh, Nam Định.
- Thời gian mở cửa: 14h - 17h.
- Giá từ: 10.000đ - 20.000đ/suất.
- Bún đũa Bà Yên:
- Địa chỉ: Hoàng Văn Thụ, Vị Hoàng, thành phố Nam Định, Nam Định.
- Thời gian mở cửa: 6h - 20h.
Trên hành trình khám phá những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử nổi tiếng nhớ dừng chân ghé thưởng thức món bún đũa Nam Định trứ danh. Cảm nhận những hương vị để cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa, sự thú vị của một món ngon tuy dân dã nhưng đã làm nên tên tuổi qua biết bao thế hệ ở vùng đất này!