Ít ai biết, hương vị chính gốc của món hủ tiếu khá "khó nuốt" đối với người Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Hủ tiếu hồ (hay còn gọi là bánh canh của người Tiều) là đặc sản truyền thống lâu đời của người Triều Châu, Trung Quốc. Sau này hủ tiếu được bán phổ biến tại Chợ Lớn và trở thành món ăn quen thuộc của người Sài Gòn.
Tuy nhiên, món hủ tiếu hồ đã thay đổi khá đáng kể trong hương vị để phù hợp với sở thích, thói quen người Sài Gòn.
Ở Triều Châu, Trung Quốc, một tô bánh hủ tiếu hồ được chan nước bột gạo, nhìn gần giống như cháo loãng, sau đó mới chan nước phá lấu lên. Kiểu chế biến này khá khó ăn so với người Việt vì vị nhạt, không dậy hương thơm.
Cách ăn này cũng phần nào lý giải cho cái tên hủ tiếu hồ. Khi ăn, người bán phải bỏ thêm bột gạo nên phần bánh hủ tiếu nằm trong nước trắng đục, đặc như hồ dán, keo dán.
Khi du nhập vào Việt Nam, hủ tiếu hồ không ăn với nước bột gạo mà có phần nước dùng đượm mùi ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc. Cách chế biến này khiến món ăn có hương vị đậm đà, ngon ngọt hơn, đồng thời cũng được đánh giá là giàu dinh dưỡng hơn cách ăn gốc của người Triều Châu.
Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, bánh hủ tiếu, các loại topping đa dạng như tôm, da heo, mề heo, xí quách, bò viên, hoành thánh, trứng cút… khìa nước dừa, ăn kèm cải chua xào khá lạ miệng. Khi ăn, thực khách có thể cho thêm xà lách, hẹ, hay giá tươi. Một bát hủ tiếu có giá khoảng 35.000 - 65.000 đồng/bát tuỳ loại.
Hiện tại, khá khó để tìm nơi bán món hủ tiếu hồ chính gốc. Tuy nhiên, ở Sài Gòn, vẫn còn một số quán giữ nguyên được cách chế biến cũng như hương vị độc lạ này như Hủ Tiếu Hồ (đường Cao Văn Lầu, quận 6), Hủ tiếu Triều Châu (đường Dương Đình Nghệ, quận 11), Quán Đỗ Khôn - Huy Đạt (đường Đinh Hoà, quận 8).
Theo dulich.laodong.vn